Năm 2018, ngành GTVT đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác hàng loạt công trình trọng điểm, trong đó có nhiều tuyến cao tốc quy mô lớn, kỳ vọng tạo ra động lực to lớn thúc đẩy phát triển KT-XH.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đang được Bộ GTVT đặt quyết tâm hoàn thành trong năm 2018
Trước 30/6, hoàn thành hai dự án cao tốc quy mô
Là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, quản lý khai thác, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi dài 140km, tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng được kỳ vọng khi hoàn thành toàn tuyến sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại, tạo động lực to lớn trong việc phát triển KT-XH cho các tỉnh, thành khu vực miền Trung, nhất là các địa phương có dự án đi qua: Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi.
Sau 4 năm triển khai xây dựng, 65km cao tốc đầu tiên của dự án đoạn Đà Nẵng – Tam Kỳ (Km 0+000 – Km 65+000) sử dụng nguồn vốn vay của JICA (khoảng 798,56 triệu USD) đã chính thức được thông xe và đưa vào khai thác từ đầu tháng 8/2017. Hiện nay, VEC đang chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu tập trung thi công các gói thầu thuộc đoạn tuyến sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) (590,39 triệu USD) đoạn Tam Kỳ – Quảng Ngãi dài 74,204km (Km 65+00 – Km 139+204) hoàn thành chậm nhất cuối tháng 6/2018 để kết nối đồng bộ với đoạn tuyến Đà Nẵng – Tam Kỳ.
Chiều 26/2, trao đổi với Báo Giao thông, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch HĐTV VEC cho biết, đến nay, các gói thầu đã cơ bản đáp ứng yêu cầu tiến độ hợp đồng, riêng một số gói thầu chậm so với kế hoạch cũng đạt hơn 60% khối lượng thi công do công tác bàn giao mặt bằng của địa phương chậm, nguồn vốn đối ứng khó khăn, tổ chức đấu thầu chậm hơn các gói thầu khác… “VEC đang quyết liệt chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, quyết tâm phải hoàn thành đoạn cao tốc sử dụng phần vốn của WB tài trợ chậm nhất trước ngày 30/6/2018 để kết nối với đoạn tuyến Đà Nẵng – Tam Kỳ, phát huy hiệu quả của toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi”, ông Tuấn Anh khẳng định.
Án ngữ cửa ngõ phía Nam và là công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, ngay khi hoàn thành giai đoạn 1 (quy mô 4 làn xe), từ cuối tháng 11/2015, cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ đã được nhà đầu tư triển khai xây dựng giai đoạn 2 với quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, nhà đầu tư đã rốt ráo chỉ đạo các nhà thầu bắt đầu thi công trở lại từ ngày 25/2 (tức mùng 10 tháng Giêng) để hoàn thiện hệ thống đường gom và các điểm đã được bàn giao mặt bằng.
“Hiện nay, giai đoạn 2 của dự án đã đạt trên 90% khối lượng, vướng mắc lớn nhất là công tác bàn giao mặt bằng của dự án vẫn chưa được địa phương hoàn thành theo cam kết. Nếu trong tháng 3/2018, toàn bộ mặt bằng được bàn giao, chúng tôi sẽ hoàn thành giai đoạn 2 của dự án trước ngày 30/6/2018 với quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp”, ông Khôi nói.
Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn là một trong bốn dự án trọng điểm của Quảng Ninh sẽ hoàn thành năm 2018
Đưa vào khai thác đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông
Được biết đến là một trong những dự án giao thông trọng điểm nhiều lần lùi tiến độ nhất của ngành GTVT, dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đang được Bộ GTVT đặt quyết tâm hoàn thành trong năm 2018.
Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, khối lượng xây lắp của dự án đã đạt khoảng 95% (chưa bao gồm thiết bị), dự án bị lùi tiến độ 3 lần, dự kiến đến quý I/2018 sẽ khai thác thương mại. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về vốn nên tổng thầu đề xuất được lùi tiếp thời hạn dự án đến tháng 11/2018.
Liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, tại cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng nên không thể mãi lùi tiến độ. “Hiện nay, khó khăn vướng mắc chủ yếu là chờ nguồn vốn bổ sung 250,6 triệu USD. Lãnh đạo Bộ GTVT sẽ làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc và đơn vị liên quan phía nước bạn để đề nghị hỗ trợ tháo gỡ. Trong khi chờ nguồn vốn trên, Ban QLDA đường sắt, tổng thầu phải chuẩn bị trước các điều kiện thủ tục để giải ngân, khi có nguồn vốn giải ngân được ngay. Các bên phải lập kế hoạch tiến độ cụ thể từng hạng mục, dứt khoát phải hoàn thành dự án trong năm 2018”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Không chỉ các dự án giao thông trọng điểm do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (dự án PPP), năm 2018 còn đánh dấu bước nhảy vọt của hạ tầng giao thông Quảng Ninh khi 4 dự án trọng điểm trên địa bàn sẽ hoàn thành gồm: Cầu Bạch Đằng, đường nối Hạ Long – cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn và dự án CHK quốc tế Quảng Ninh
Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong quý II/2018, ba công trình giao thông trọng điểm của Quảng Ninh là: Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, đường nối Hạ Long – cầu Bạch Đằng và dự án BOT cầu Bạch Đằng sẽ hoàn thành, tạo ra hệ thống giao thông liên hoàn nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cầu Bạch Đằng – TP Hạ Long – Vân Đồn. “Riêng dự án CHK quốc tế Quảng Ninh dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác trong quý III/2018”, ông Long nói và cho biết, hiện tại, các nhà thầu đã thi công xong đường cất/hạ cánh, đường lăn song song, đang lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu, hàng rào an ninh. Khu hàng không dân dụng như: Nhà ga, nhà điều hành, đài kiểm soát không lưu… cũng đã cơ bản hoàn thành phần khung.
Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Cục QLXD&CLCTGT cho biết, trong năm 2018, Bộ GTVT dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác 5 công trình, dự án giao thông trọng điểm gồm: Cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (toàn tuyến), cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ (giai đoạn 2), tuyến nối TP Hạ Long – cầu Bạch Đằng và dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ hoàn thành thêm một số hạng mục thành phần như: Hợp phần B – Xây dựng 2 bến container của cảng Lạch Huyện; Một số dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 như: Cầu Cao Lãnh, tuyến nối cầu Cao Lãnh – cầu Vàm Cống (trừ cầu Vàm Cống); đoạn La Sơn – Túy Loan; Năm Căn – Đất Mũi; Chơn Thành – Đức Hòa; Ngân Sơn – Nà Phặc, Chợ Mới – Chợ Chu, cầu Bình Ca và đường dẫn.
“Bên cạnh đó, Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư Dự án CHK quốc tế Long Thành và triển khai thực hiện một số đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư”, lãnh đạo Cục QLXD&CLCTGT cho biết.
Dự án nào khởi công phải đảm bảo đầy đủ thủ tục
Báo cáo kế hoạch khởi công, khánh thành các công trình dự án tại buổi họp giao ban Bộ GTVT diễn ra chiều qua (26/2), Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Lê Kim Thành cho biết, theo kế hoạch, trong quý I/2018, dự kiến sẽ khởi công 10 công trình.
“Đến thời điểm này đã khởi công 6 công trình, dự án, gồm cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long; Xây dựng 2 cầu vượt trên QL1 tại nút giao QL1C và ngã ba Thành (Khánh Hòa); Mở rộng tuyến tránh thủy điện Plei Krông; Nâng cấp, mở rộng QL18 (Hà Tĩnh); Cầu Đà Rằng và dự án QL15B qua Hà Tĩnh”, ông Thành nói và cho biết thêm: Trong tháng 3, dự kiến sẽ khởi công 4 công trình còn lại gồm dự án xây dựng thêm 1 đơn nguyên cầu vượt tại nút giao giữa QL1 và đường Nghi Sơn – Bãi Trành (Thanh Hóa); Tiểu dự án 3 – Nâng cấp QL15 đoạn qua Thanh Hóa; Đường HCM đoạn tránh Chư Sê (Gia Lai) và dự án Nâng cấp mạng lưới giao thông tiểu vùng Mê Kông mở rộng phía Bắc lần 2 – nâng cấp QL217 (Thanh Hóa) giai đoạn 2.
Cũng trong quý I, dự kiến có 5 công trình hoàn thành. Trừ dự án cầu vượt tại nút giao tuyến đường D4 thuộc khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) với QL1 cũ và đường sắt Bắc – Nam, 4 dự án còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 3 (gồm dự án bổ sung 7km cuối tuyến, đường HCM đoạn Năm Căn – Đất Mũi; Cải tạo nâng cấp QL37 đoạn Gia Phù – Cò Nòi (Sơn La); Dự án kết nối khu vực Đồng bằng sông Mê Kông và dự án đầu tư bổ sung tuyến tránh thị trấn Đông Hưng (Thái Bình) trên QL10.
Yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông phải quản lý chặt chẽ tiến độ khởi công, khánh thành các công trình dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo cơ quan này phải phối hợp với các Ban QLDA rà soát kỹ các thủ tục. “Dự án nào khởi công phải đảm bảo đầy đủ thủ tục, không vì bất cứ lý do gì để thủ tục pháp lý không chặt chẽ”, Bộ trưởng nói và yêu cầu: “Không chỉ quản lý tiến độ mà cả chất lượng dự án”.
Nguồn báo www.baogiaothong.vn