Lễ khánh thành tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng diễn ra sáng 1/9 trong niềm vui hân hoan.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng khánh thành tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng trong niềm vui hân hoan
Sáng 1/9, Lễ khánh thành thông xe tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng chính thức diễn ra trong sự hân hoan, phấn khởi của hàng nghìn người dân.
Người dân hân hoan thông xe
Ngay từ sáng sớm 1/9, hàng nghìn người dân đã có mặt tại cầu Bạch Đằng để tham dự buổi lễ khánh thành dự án cao tốc Hạ Long – Hải Phòng nối cầu Bạch Đằng trong không khí phấn khởi, vui vẻ. Hiếm khi nào người dân hai tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh nói riêng và người tham gia giao thông cả nước lại mong mỏi được đặt chân lên dự án lịch sử mang ý nghĩa kết nối, phát triển kinh tế như cầu Bạch Đằng và tuyến cao tốc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khánh thành cầu Bạch Đằng
Mặc dù 9h mới tổ chức khánh thành nhưng anh Nguyễn Trọng Nam (SN 1975, trú tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã cùng vợ con đến cầu Bạch Đằng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dự án và háo hức di chuyển qua đây vì sự thuận lợi. Anh Nam phấn khởi: “Lần đầu tiên được đặt chân lên một dự án cao tốc của địa phương, rất đẹp và hoành tráng. Đặc biệt đây là dự án kết nối Hải Phòng, Quảng Ninh bắc qua dòng sông Bạch Đằng lịch sử vốn “chia cắt” hai địa phương. Nay nhờ tuyến cao tốc, cầu Bạch Đằng mà người dân được qua lại dễ dàng, có thể đi bất cứ địa điểm nào của cả tỉnh, thành phố trong thời gian nhanh nhất và an toàn”.
Bà Nguyễn Thị Năm (SN 1961, trú tại quận Hải An, TP. Hải Phòng) cũng hân hoan cho biết: “Trên cầu thoáng mát và rất kỳ vĩ. Từ đây có thể nhìn thấy cả thành phố cảng Hải Phòng và thành phố du lịch Hạ Long. Hôm nay là cơ hội duy nhất để có thể đứng trên câu chiêm ngưỡng vẻ đẹp này, còn khi đã bắt đầu thông xe thì chỉ có ô tô mới có thể đi qua. Từ nay, khi tôi về quê ngoại ở TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh) sẽ rất nhanh, không còn đi đường vòng theo QL 10 nữa. Đây quả thực là dự án mang tính lịch sử của vùng Đông Bắc”.
Phát biểu trước Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các đại biểu và hàng nghìn người dân, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh xúc động: “Hôm nay, tổ chức Lễ khánh thành thông xe và chính thức đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc nối thành phố Hạ Long với thành phố Hải Phòng qua dòng sông Bạch Đằng lịch sử. Đây là dấu mốc quan trọng khẳng định thành công của tỉnh Quảng Ninh trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong huy động nguồn lực đầu tư kết nối hạ tầng trong chiến lược phát triển đất nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Các công trình trọng điểm khác của tỉnh cũng sẽ tiếp tục hoàn thành trong năm 2018 như: Tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai cũng được đầu tư bằng hình thức hợp tác công tư, ngân sách tỉnh cho công tác GPMB”.
Ông Long cũng chia sẻ, với cách làm quyết tâm, sáng tạo, mạnh dạn trong đổi mới, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; bắt đầu từ việc lập các quy hoạch chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực, có chất lượng với sự tham gia của các đơn vị tư vấn quốc tế có uy tín hàng đầu trên thế giới. Cùng với đó là chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm giải quyết những “nút thắt” trong quá trình triển khai các dự án mà trọng tâm là ưu tiên nguồn ngân sách tỉnh chủ động triển khai trước công tác GPMB để đảm bảo có mặt bằng sạch, bàn giao cho các nhà đầu tư ngay sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và hỗ trợ ngân sách đầu tư một phần để đảm bảo tính khả thi của dự án. Điểm mấu chốt này đã tạo sức hút cho các nhà đầu tư, củng cố niềm tin cho ngân hàng có cam kết tài trợ vốn để công trình hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả sau đầu tư.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Cty CP BOT cầu Bạch Đằng cho biết, hơn 3,5 năm thi công, tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng đủ điều kiện đưa vào khai thác. Dự án góp phần hoàn chỉnh tuyến kết nối Vùng tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông tuyến cao tốc ven biển vùng duyên hải Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng. Tất cả nhờ sự ủng hộ của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo hai tỉnh, thành Hải Phòng, Quảng Ninh và nỗ lực, quyết tâm của anh em kỹ thuật, công nhân của các nhà thầu.
Niềm tự hào “made in Việt Nam”
Thay mặt Chính phủ, phát lệnh thông xe tuyến đường mang tính cột mốc về hạ tầng giao thông cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Đây là một đột phá quan trọng của hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng vì không chỉ phát huy giá trị cao tốc Hà Nội – Hải Phòng mà còn thúc đẩy liên kết vùng, góp phần kết nối toàn khu vực tam giác phát triển 3 tỉnh Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, mở thêm những không gian và cơ hội phát triển kinh tế lớn khác. Sự kiện này còn mang tính đột phá về rút ngắn thời gian đi lại từ Hà Nội đi Hạ Long, Hải Phòng. Điểm đột phá còn là một cây cầu made in Việt Nam – một minh chứng cụ thể về tinh thần tự lực, tự cường về khả năng làm chủ công nghệ thi công cầu đường của người Việt Nam. Công trình do Việt Nam tự đầu tư, thiết kế thi công, với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay”.
Thủ tướng cũng đánh giá cao tính đột phá “dám nghĩ, dám làm” của lãnh đạo địa phương dưới sự hỗ trợ đắc lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các thời kỳ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương liên quan.
“Đó là một sự táo bạo, đột phá cần thiết, rất cần trong giai đoạn hiện nay”, Thủ tướng nói và biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của chính quyền, địa phương hai tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng trong giải phóng mặt bằng, triển khai thủ tục, thu xếp nguồn vốn.
Qua đây, Thủ tướng cũng dành lời ngợi khen các đơn vị thiết kế, thi công và đội ngũ những cán bộ, kỹ sư đã làm việc ngày đêm, xây dựng công trình đảm bảo chất lượng, mỹ thuật theo đúng yêu cầu đề ra. Thủ tướng cũng chân thành cảm ơn các hộ gia đình trong diện di dời đã dành mặt bằng cho công trình; yêu cầu chính quyền các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào ổn định đời sống.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị chủ đầu tư khẩn trương thực hiện nốt các phần việc còn lại để tuyến cao tốc Hạ Long – Hải Phòng phát huy giá trị một cao tốc đồng bộ, hiện đại an toàn và hiệu quả. “Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo của chúng ta là phải làm sao cho sự đầu tư này thực sự có hiệu quả”, “chắp cánh cho kinh tế và du lịch Quảng Ninh – Hải Phòng trong thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Sau lễ khánh thành, thông xe vào sáng 1/9, bắt đầu từ 13 giờ cùng ngày, các phương tiện giao thông được phép lưu thông trên cao tốc theo quy định tại khoản 4, Điều 26, Luật Giao thông đường bộ với vận tốc cho phép tối đa hiện tại là 80 km/giờ (vận tốc thiết kế 100 km/giờ). Việc hạn chế tốc độ là để người dân làm quen với tuyến đường mới, đảm bảo an toàn giao thôn trong quá trình lưu thông.
Dự án đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng được đầu tư bằng nguồn ngân sách với quy mô đầu tư xây dựng mới 19,8km đường cao tốc theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc tiêu chuẩn TCVN 5729:2012. Điểm đầu dự án giao với QL18 tại Km102+300 (thuộc phường Đại Yên, TP. Hạ Long), điểm cuối dự án tại Km19+800 (là điểm đầu dự án thành phần cầu Bạch Đằng, đường dẫn nút giao cuối tuyến). Dự án có chiều rộng nền đường Bn=25,5m gồm 4 làn xe chạy (4×3,75m) và 2 dải an toàn 2x3m. Trên tuyến xây dựng 5 cầu lớn gồm: Sông Hốt, sông Bình Hương, sông Chanh, sông Rút và cầu cạn Phong Hải.
Cầu Bạch Đằng là cây cầu dây văng hiện đại với nhiều kỷ lục được ghi nhận. Đây cũng là công trình cầu dây văng do các kỹ sư của Việt Nam thiết kế, thi công (Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải – CTCP (TEDI) là đơn vị thiết kế và giám sát thi công phần cầu dây văng của cầu Bạch Đằng, giám sát thi công đoạn tuyến cao tốc nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng), là một trong những cây cầu lớn trong nước, là biểu tượng về kỹ thuật xây dựng cầu đường của Việt Nam với thiết kế 3 trụ tháp là 3 chữ “H” thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa 3 trung tâm kinh tế phía Bắc là Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long. Công trình kết nối với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng tại Km104+500. Dự án được chia làm 8 gói thầu xây lắp trong đó phần cầu chính dây văng dài 700m với sơ đồ kết cấu nhịp (110+2×240+110), tĩnh không thông thuyền 2x(BxH)=2x(180×48,4)m. Bề rộng cầu B=25m với 4 làn xe chạy (4×3,75m) và 2 dải an toàn (2x3m). Kết cấu trụ tháp hình chữ H với chiều cao 100m. Phần cầu dẫn, cầu vượt và nút giao 2 bờ Hải Phòng, Quảng Ninh sử dụng kết cấu dầm super T và đúc hẫng trên hệ thống móc cọc bê tông cốt thép, đường kính từ 1,5 – 2m. Công trình đầu tư theo hình thức BOT.
Những hình ảnh PV Báo Giao thông ghi nhận tại buổi khánh thành
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Bộ Trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể về thành quả của ngành giao thông tại buổi khánh thành
Buổi lễ khánh thành dự án diễn ra trong không khí hân hoan, vui vẻ
Các đại biểu cắt băng khánh thành trong niềm vui kết nối giao thông
Đoàn xe đầu tiên bắt đầu di chuyển trên tuyến đường cao tốc từ Hải Phòng sang Hạ Long (Quảng Ninh)
Người dân của cả hai tỉnh, thành Hải Phòng và Quảng Ninh phấn khởi khi được chứng kiến buổi lễ khánh thành
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận lời chức mừng từ các cựu cán bộ, người dân địa phương
Nguồn báo www.baogiaothong.vn