Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, xây dựng thể chế chính sách là việc không tốn tiền, chỉ cần bỏ công, bỏ sức nhưng lại có thể tạo đột phá…
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là 1 trong 7 dự án có nguy cơ chậm tiến độ
Tại buổi họp giao ban tháng 2/2019 của Bộ GTVT vào sáng 28/2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dành nhiều thời gian để chỉ đạo việc rà soát và xây dựng thể chế, chính sách liên quan đến ngành.
Loại bỏ quy định cản trở phát triển GTVT
Một trong những chỉ đạo quan trọng của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là việc phải sửa ngay những quy định, những điều khoản cản trở sự phát triển, làm khó cho người dân, DN.
“Luật GTĐB đã ban hành hơn chục năm. Nhiều năm qua là hành lang pháp lý quan trọng góp phần giảm TNGT, cải thiện hạ tầng, nâng cao kiến thức tham gia giao thông của người dân và DN. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình triển khai thi hành Luật GTĐB năm 2008 đã phát sinh một số vấn đề bất cập, cần phải nhanh chóng sửa đổi”, Bộ trưởng nêu ví dụ.
Với Bộ luật Hàng không, Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát kỹ xem đã cần sửa chưa. “Hiện, có nhiều ý kiến cho rằng, Luật Hàng không mâu thuẫn với nhiều luật hiện hành. Đừng chờ 5 hay 10 năm, mà chỉ cần có bất cập là phải sửa ngay để đồng bộ hoá, hợp lý hoá”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Với Luật Đầu tư công, dù không phải cơ quan chủ trì sửa đổi, song Bộ trưởng cho rằng, đây là bộ luật rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng vốn công. “Là người trực tiếp thực hiện các dự án, chúng ta phải giám sát, nắm tình hình. Những gì còn bất cập, khó khăn, phải báo cáo đề nghị Chính phủ sửa đổi”, Bộ trưởng nêu.
Liên quan đến Nghị định 86 đang được dư luận đặc biệt quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phân tích: “Một số ý kiến cho rằng Nghị định 86 sửa đổi làm triệt tiêu động lực áp dụng công nghệ. Rõ ràng không có chuyện đó. Ngay cả taxi truyền thống chúng ta cũng khuyến khích phải áp dụng công nghệ để tăng kết nối giữa người dùng với lái xe, tiết kiệm chi phí đi lại… Nghị định chỉ nhằm quản lý mô hình mới là taxi ứng dụng công nghệ hiện đại. Nghị định ra đời sẽ khuyến khích áp dụng công nghệ, đảm bảo an toàn cho hành khách, lái xe, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước”.
Với các thông tư, Bộ trưởng yêu cầu cơ quan chức năng phải họp hàng tháng, rà soát liên tục các thông tư để sớm phát hiện và sửa đổi các điều khoản đang gây cản trở sự phát triển, cản trở công tác quản lý. “Xây dựng thể chế chính sách là việc không tốn tiền, chỉ cần bỏ công, bỏ sức nhưng lại có thể tạo đột phá để thu hút đầu tư, thúc đẩy mọi việc. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị phải tận sức làm”, Bộ trưởng nói thêm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp giao ban tháng 2 sáng 28/2
“Quản” chặt tiến độ các dự án trọng điểm
Liên quan đến việc triển khai các dự án trọng điểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tỏ rõ sự quyết tâm khi liên tục nhấn mạnh các đơn vị phải bám chắc tiến độ từng dự án, thường xuyên họp kiểm điểm, rà soát tiến độ. “Phải kiểm điểm chặt chẽ tiến độ, khó ở đâu phải gỡ ngay ở đấy”, Bộ trưởng nêu rõ.
Trước đó, Chánh văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức cho biết, công tác chuẩn bị các dự án trọng điểm như: Đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, CHK quốc tế Long Thành, mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, thu phí tự động không dừng… được Bộ GTVT tập trung triển khai bám sát kế hoạch đề ra.
“Mới đây nhất, ngày 21/2, Bộ GTVT đã phối hợp tổ chức Hội nghị do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì để triển khai công tác GPMB các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020”, ông Đức thông tin.
Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Lê Kim Thành cho hay, ngành GTVT có 37 công trình, dự án trọng điểm với tổng mức đầu tư (TMĐT) khoảng 1.095 nghìn tỷ đồng. Tính đến nay đã đưa vào khai thác, sử dụng 23 công trình.
Trong số 14 dự án còn lại, có 3 dự án chưa khởi công là cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết; đường sắt đô thị Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo và CHK quốc tế Long Thành; 1 dự án dừng giãn tiến độ là đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Gia Lâm và 10 dự án đang triển khai thi công.
Trong số 10 dự án đang triển khai, ông Thành cũng liệt kê cụ thể 7 dự án đang chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm tiến độ gồm: Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, cao tốc Bến Lức – Long Thành; 2 dự án đường sắt đô thị TP HCM (gồm tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên, tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương) và 3 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội (gồm tuyến Nhổn – Ga Hà Nội, Cát Linh – Hà Đông và Yên Viên – Ngọc Hồi).
Đối với các dự án mới, ông Thành cho biết, Bộ GTVT đã hoàn thành công tác phê duyệt cả 11 dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Hiện, đã chấp thuận kế hoạch triển khai tổng thể, chi tiết của 11 dự án; Phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán chi phí khảo sát, thiết kế kỹ thuật của 11 dự án; Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hoàn thành tổ chức lựa chọn nhà thầu khảo sát thiết kế kỹ thuật của 11 dự án.
“Năm 2019 là năm bản lề về GPMB và đấu thầu nhà đầu tư. Riêng một số gói thầu của 3/11 dự án đầu tư công sẽ phấn đấu khởi công trong năm 2019”, ông Thành cho hay.
Với các dự án sử dụng 15.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, ông Thành cho biết đang thực hiện bước phê duyệt chủ trương đầu tư. Một số dự án đã chuyển sang bước thực hiện đầu tư.
Công trình nào khởi công, hoàn thành trong quý I?
Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông Lê Kim Thành cho biết, theo kế hoạch, quý I/2019 Bộ GTVT dự kiến khởi công 3 công trình, hoàn thành 3 công trình.
Hiện tại, Bộ đã khởi công 2 công trình gồm Dự án tuyến tránh TP Kon Tum và Dự án cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam. Còn Dự án mở rộng đường nối QL1 đến đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (QL40) hiện đang lựa chọn nhà thầu xây lắp, ngày 28/2 chính thức mở thầu để tiến tới khởi công trong tháng 3/2019.
Đối với 3 công trình dự kiến hoàn thành, chỉ có 1 công trình đáp ứng tiến độ, dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2019 là cầu Đà Rằng, tỉnh Phú Yên. 2 công trình được đánh giá chậm tiến độ, dự kiến chuyển kế hoạch hoàn thành sang quý II/2019 gồm: Dự án đầu tư xây dựng QL12B đoạn Tam Điệp – Nho Quan, tỉnh Ninh Bình (hiện khối lượng thực hiện đạt 98%, vướng 900m mặt bằng chưa được bàn giao) và Dự án đường HCM tuyến tránh phía Tây Buôn Hồ (Đắk Lắk) do Sở GTVT Đắk Lắk thực hiện (hiện đang tạm dừng thi công do dự án chỉ được bố trí vốn đến 31/12/2018).
Theo baogiaothong.vn