Những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã dành cho Tây Bắc sự quan tâm với nhiều chính sách ưu đãi về phát triển KT-XH, xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, Chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Bắc cũng hết sức nỗ lực lao động, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng Tây Bắc ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hiện Tây Bắc vẫn là khu vực hết sức khó khăn của cả nước mà một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho Tây bắc chậm phát triển là do hạ tầng giao thông còn quá yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế – xã hội.
Hơn ba năm vừa qua kể từ khi dự án được Nhà đầu tư đề xuất triển khai, bằng công sức, sự quyết tâm nỗ lực cao độ của các Nhà đầu tư, các đơn vị tư vấn, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo hai tỉnh, sự đồng thuận ủng hộ của các Bộ/ngành, của nhân dân các tỉnh Tây Bắc, dự án đang từng bước hoàn thiện các thủ tục và triển khai thực hiện.
Tuyến cao tốc kết nối Hòa Bình – Sơn La khi hình thành sẽ tạo ra một huyết mạch giao thông mới kết nối hai tỉnh Hòa Bình – Sơn La, và mở rộng kết nối khu vực Tây bắc với thủ đô Hà Nội, trung tâm kinh tế – Chính trị của cả nước và các vùng lân cận, hoàn thành đồng bộ hệ thống đường cao tốc theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách, rút ngắn thời gian đi lại và phát huy hiệu quả của các dự án đang được đầu tư. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng nơi tuyến đi qua và của vùng Tây Bắc nói riêng, cả nước nói chung.
Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 80km đi qua địa phận thành phố Hòa Bình, huyện Đà Bắc, Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và huyện Vân Hồ, Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Tiêu chuẩn kỹ thuật dự án là đường cao tốc với quy mô 04 làn xe Bnền=22m, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với 04 làn xe Bnền=17m.
Nhận thức rõ đây là một dự án có tính chất kỹ thuật rất phức tạp do đi qua các khu vực có điều kiện địa hình, địa chất đặc biệt khó khăn, phần lớn các công trình trên tuyến phải sử dụng các kết cấu đặc biệt (cầu dây văng, dây võng, hầm xuyên núi) và một tỉ lệ lớn các công trình cầu cạn để đảm bảo khả năng vận hành khai thác nên TEDI đơn vị tư vấn được lựa chọn lập báo cáo NCKT của dự án đã tập trung cao độ mọi nguồn lực để hoàn thành dự án theo đúng tiến độ đã cam kết.
Để khẳng định tính khả thi và lựa chọn hướng tuyến tối ưu, ngày 28/9/2019 Tổng công ty TVTK GTVT – CTCP và Công ty cổ phần đầu tư đường cao tốc Hòa Bình – Sơn La đã tổ chức buổi thị sát hiện trường và trao đổi về các phương án thiết kế tập trung chủ yếu vào vị trí cầu Bình Sơn (vượt qua hồ Hòa Bình).
Dự kiến một phương án thiết kế cầu Bình Sơn
Sau khi xem xét đoàn đã thống nhất tập trung nghiên cứu các vị trí cầu theo phương án 1 và phương án 3 với các dạng kết cấu Vòm, dây văng, dây võng … để so sánh và lựa chọn phương án tối ưu. Tổng giám đốc Phạm Hữu Sơn đã giao các đơn vị tập trung nghiên cứu, so sánh kỹ lưỡng lựa chọn phương án để làm cơ sở báo cáo Nhà đầu tư và Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài ra đoàn công tác cũng đã xem xét toàn bộ đoạn tuyến khó khăn trước và sau khi vượt qua hồ Hòa Bình.
Đoàn thị sát đoạn sau khu vượt hồ Hòa Bình
Đoàn công tác xác định đây là đoạn tuyến khó khăn về cả địa hình và địa chất, Tổng giám đốc đề nghị các đơn vị nghiên cứu phương án tối ưu tránh hiện tượng sụt trượt, ưu tiên sử dụng các công trình (hầm, cầu cạn…) xong vẫn đảm bảo các yếu tố về kinh tế và kỹ thuật.
Trong chuyến đi Tổng giám đốc cũng đã thăm hỏi và động viên các kỹ sư, công nhân của Trung tâm SLCB đang khảo sát tại hiện trường.
Đoàn thị sát thăm hỏi các kỹ sư, công nhân khảo sát
Kết thúc chuyến đi, Tổng giám đốc giao các đơn vị tập trung lực lượng hoàn thành các nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tiến độ yêu cầu của Nhà đầu tư.
Văn Phòng TEDI