Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao. Đây là quyết định mang tính lịch sử, kỳ vọng tạo ra sức bật cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, vì dự án có quy mô rất lớn, khối lượng công việc nhiều và phức tạp, đòi hỏi phải xác định được những việc cần làm ngay với nỗ lực và quyết tâm cao nhất.
Ba giai đoạn triển khai
Là đơn vị tư vấn trực tiếp tham gia nghiên cứu và tham gia xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ ban hành nghị quyết triển khai, dự án dự kiến sẽ tiếp tục triển khai theo 3 giai đoạn.
Sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ ban hành nghị quyết triển khai, dự án dự kiến sẽ tiếp tục triển khai theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 là lập báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) và thiết kế tổng thể kỹ thuật phục vụ cho lập hồ sơ mời thầu tổng thầu EPC (FEED) với các nhiệm vụ: Lựa chọn tư vấn quản lý dự án, tư vấn lập FS và thiết kế FEED; mời thầu, lựa chọn các đơn vị tư vấn; triển khai công tác khảo sát, lập FS và thiết kế FEED; thẩm tra, thẩm định, phê duyệt FS và thiết kế FEED và chuẩn bị hồ sơ mời thầu EPC. Giai đoạn này thực hiện trong thời gian 2025-2027.
Giai đoạn 2 là thi công, mua sắm thiết bị (từ năm 2027-2035), gồm các nhiệm vụ: Đấu thầu, lựa chọn nhà thầu EPC; đàm phán, ký hợp đồng và triển khai thi công; mua sắm phương tiện, thiết bị; tiếp nhận và chuyển giao công nghệ.
Giai đoạn 3 là vận hành thử và khai thác thương mại với các nhiệm vụ: Vận hành thử nghiệm; đánh giá an toàn hệ thống và vận hành thương mại.
Theo lãnh đạo TEDI, đảm bảo dự án được triển khai đúng lộ trình, dự kiến khởi công năm 2027, cơ bản hoàn thành năm 2035, cơ chế đặc thù rất quan trọng đã được thông qua là chủ đầu tư được lập thiết kế FEED thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Cơ chế này sẽ rút ngắn tiến độ khoảng 1 năm so với thực hiện theo quy trình thông thường.
Theo quy trình thông thường, dự án sẽ phải thực hiện lập 4 bước thiết kế và để thực hiện đủ 4 bước trên, từ thời điểm phê duyệt chủ trương đến khi khởi công nhanh nhất hơn 4 năm, tức là phải đến năm 2029 dự án mới có thể khởi công.
Tăng tốc ngay từ đầu
Lãnh đạo TEDI cũng nhìn nhận, ở mỗi giai đoạn thực hiện dự án sẽ đều có thách thức cần sớm tìm giải pháp vượt qua.
Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh: Triển khai dự án với quyết tâm cao nhất
Để có thể triển khai dự án sớm nhất, Bộ GTVT dự kiến sẽ tham mưu trình Chính phủ ban hành nghị quyết để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương triển khai các nội dung nêu trong Nghị quyết của Quốc hội.
Chúng tôi nhận thức rõ, việc triển khai dự án sẽ là một hành trình dài với nhiều thách thức, khối lượng công việc rất nhiều, nhiệm vụ rất nặng nề. Ngành GTVT nói chung và đường sắt nói riêng đã sẵn sàng với khí thế cao nhất, với quyết tâm cao nhất “chỉ bàn làm, không bàn lùi” đưa dự án sớm triển khai.
Với sự quyết tâm, nỗ lực của ngành GTVT, sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta sẽ thực hiện thành công dự án mang tính biểu tượng của kỷ nguyên mới này.
Trong đó, giai đoạn 1 cần tập trung khảo sát, điều tra, nghiên cứu để làm rõ những thông số cơ bản của dự án như cập nhật dự báo nhu cầu vận tải, phương án tổ chức khai thác, xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ thuật, rà soát tuyến và các công trình trên tuyến, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng… Đặc biệt, cần sớm triển khai thiết kế, bàn giao cọc GPMB cho địa phương để triển khai các công việc tiếp theo.
Thách thức của giai đoạn 1 là việc huy động lực lượng tư vấn. Nếu chỉ trông chờ hoàn toàn vào lực lượng tư vấn nước ngoài, thời điểm bắt đầu công việc sẽ có độ trễ nhất định. Trong khi đó, với một số hạng mục công việc, lực lượng tư vấn trong nước có thể đảm đương nên cần xem xét tách hạng mục phù hợp để huy động tư vấn trong nước triển khai sớm.
Với giai đoạn 2, ưu tiên đầu tiên là đẩy nhanh công tác đền bù, GPMB. Với khối lượng GPMB rất lớn, liên quan 20 địa phương, kinh nghiệm triển khai các dự án lớn cho thấy cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Công tác thi công xây dựng công trình với khối lượng rất lớn, đòi hỏi tính tổng thể cao và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các hạng mục công việc. Để giải quyết điều đó, cần triển khai công tác thiết kế giao diện hoàn chỉnh trên nền tảng ứng dụng công nghệ BIM từ khảo sát đến thiết kế.
Đối với các hạng mục xây lắp, cần tận dụng tối đa lực lượng trong nước, vừa đảm bảo tiến độ, giá thành, vừa đảm bảo hiệu quả của dự án phát huy ngay trong quá trình xây dựng.
Ở giai đoạn 3, quá trình vận hành thử nghiệm, đặc biệt là giai đoạn đánh giá an toàn hệ thống thường gặp những khó khăn nhất định. Kinh nghiệm đúc kết từ các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sẽ hỗ trợ dự án thực hiện thành công các công việc này.
Khác với một dự án thông thường, đây là một hệ thống hoàn chỉnh bao gồm nhiều hệ thống thành phần, đòi hỏi tính đồng bộ cao. Quá trình triển khai, cần linh hoạt trong việc huy động lực lượng trong nước, quốc tế trên tinh thần những việc trong nước có thể làm được thì ưu tiên, huy động tối đa.
Việc tạo điều kiện cho nhà thầu trong nước (nhà thầu tư vấn và xây lắp) có thể thực hiện thông qua một trong hai hình thức: Nhà thầu trong nước liên danh với nhà thầu nước ngoài với vai trò “leader”/thành viên trong liên danh hoặc nhà thầu trong nước có sử dụng các chuyên gia nước ngoài.
Để đáp ứng tiến độ, việc gắn nhiệm vụ chủ trì với cơ quan chuyên môn như Bộ GTVT là cần thiết. Nếu chưa có năng lực đầy đủ, Bộ GTVT với vai trò chủ trì có thể huy động thêm các bộ chuyên ngành liên quan khác tham gia thẩm định các vấn đề liên quan đến yếu tố kỹ thuật. Trường hợp cần thiết, có thể báo cáo cấp có thẩm quyền cho thuê đơn vị thẩm tra quốc tế, không phải đi qua nhiều cấp.
Cụ thể các chính sách đặc thù, đặc biệt
Theo ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban QLDA Đường sắt, để triển khai các công việc tới đây, cần cụ thể hóa các chính sách đặc thù, đặc biệt.
Trong đó, có chính sách 13 đã được nêu tại Nghị quyết của Quốc hội là: Dự án được FEED thay thế cho thiết kế cơ sở trong FS.
Theo quy định hiện hành, thông thường sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ lập FS, trong FS chỉ có thiết kế cơ sở. Các thiết kế triển khai sau đó có thiết kế FEED, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các thiết kế khác (nếu có). Trường hợp lựa chọn hình thức hợp đồng EPC, thực hiện theo thiết kế FEED.
Chính sách 13 sẽ tiết kiệm được thời gian, vì ngay bước lập FS đã tiến hành lập thiết kế FEED. Khi trình phê duyệt FS là đã có kèm theo hồ sơ thiết kế FEED, nên sau phê duyệt có thể triển khai ngay bước tiếp theo. Khi đó sẽ rút ngắn được khoảng hơn 2 năm thực hiện thủ tục.
Tuy nhiên, để lập thiết kế FEED vẫn cần có hướng dẫn bằng văn bản quy phạm pháp luật quy định về nội dung, yêu cầu thiết kế FEED, vì đây là nội dung rất mới ở Việt Nam.
Theo ông Phương, chính sách về GPMB cũng rất quan trọng. Và khó nhất, mất thời gian nhất là GPMB các khu vực phải di dời dân.
Theo quy định pháp luật hiện hành, sau khi dự án được phê duyệt đầu tư mới triển khai lập khu tái định cư và xây dựng khu tái định cư. Thông thường các địa phương sẽ mất khoảng 2 năm thực hiện rồi mới tiến hành di dời dân.
Quốc hội đã thông qua chính sách đặc thù cho phép thực hiện trước bước tái định cư và di dời hạ tầng kĩ thuật. Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cũng cho phép tách công tác GPMB ra khỏi dự án. Các yếu tố này giúp rút ngắn thời gian GPMB.
Riêng công tác di dời hạ tầng kỹ thuật, vấn đề này đã được đề xuất giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện tiểu dự án hoặc các tiểu dự án và có thể chuẩn bị, triển khai ngay sau khi dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng: Tham mưu kịp thời về nguồn vốn
Để dự án đảm bảo triển khai sớm và khả thi, hiệu quả như chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, tới đây, Bộ Tài chính sẽ chủ động phối hợp các bộ, ban, ngành liên quan để rà soát nguồn vốn đầu tư, đánh giá tác động về tài chính, kinh tế – xã hội để tham mưu cho Chính phủ một cách kịp thời, nhằm triển khai dự án với thời gian nhanh nhất, chất lượng tốt nhất.
Có thể xem xét chỉ định thầu
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, muốn đáp ứng tiến độ, trước hết bước FS cần được bắt tay thực hiện ngay. Thời gian lập FS với những dự án lớn như đường sắt tốc độ cao thường mất khoảng vài năm. Việc thực hiện các thủ tục sẽ rất lâu nếu không được xem xét rút gọn.
Dự án đường sắt tốc độ cao dự kiến sẽ được triển khai theo 3 giai đoạn, hoàn thành thi công năm 2035.
“Chỉ định thầu là giải pháp có thể xem xét. Công tác nghiên cứu và thẩm định cũng nên tiến hành song song để rút ngắn quá trình chuẩn bị và thông qua. Công tác lập hồ sơ mời thầu để lựa chọn tổng thầu xây dựng cũng cần tiến hành song hành trong thời gian lập FS.
Các nội dung cần sớm được nghiên cứu xác định rõ như: Điều kiện, số liệu để đấu thầu (có chuyển giao công nghệ hay không, tỷ lệ bao nhiêu; khối lượng xây lắp…), để ngay sau khi FS được phê duyệt, có thể triển khai được luôn bước lựa chọn nhà thầu EPC”, ông Đông góp ý và nói thêm, trong hợp đồng với nhà thầu phải rõ đầu bài, nêu rõ hết những gì phía chủ đầu tư muốn, trách nhiệm của từng bên.
Một vấn đề cũng cần lưu ý là phải có đề án tổng thể quản lý về thực hiện đầu tư, xác định rõ vai chủ đầu tư, chủ quản. Kinh nghiệm như Hàn Quốc, họ đã thành lập cơ quan quản lý đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao từ Seoul đi Busan, cảng hàng không Incheon.
Nguồn: baogiaothong.vn