Bộ GTVT cho biết, việc triển khai các dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ tuân thủ 5 nguyên tắc cơ bản…
Dự án cao tốc Bắc – Nam đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có 3 dự án thành phần gồm: Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây
Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận về việc sớm triển khai dự án đường cao tốc Bắc – Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận và có cơ chế giám sát đảm bảo chất lượng, hiệu quả của công trình.
Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52 ngày 22/11/2017 gồm 11 dự án thành phần, trong đó 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước và 8 dự án đầu tư công theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Dự án cao tốc Bắc – Nam đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có 3 dự án thành phần (Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây), được triển khai theo hình thức PPP. Đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tất cả các dự án; hoàn tất việc bàn giao mặt bằng và chuyển nguồn vốn đến Kho bạc Nhà nước để địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Đồng thời, Bộ GTVT đang gấp rút hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán và khẩn trương triển khai công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư để có thể tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2019.
Về cơ chế giám sát và đảm bảo chất lượng, hiệu quả công trình, rút kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT trước đây, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 20 ngày 28/3/2018 để triển khai đầu tư dự án đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý chất lượng, tiến độ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư với 5 nội dung cơ bản.
Đầu tiên là thực hiện đấu thầu cạnh tranh, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư. Thứ hai, quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư bằng 20% tổng vốn đầu tư để đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án. Thứ ba, quản lý chặt chẽ chất lượng, giá thành xây dựng công trình. Cơ quan Nhà nước tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán làm cơ sở để tính toán phương án tài chính, lập hồ sơ mời thầu.
Thứ tư, xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, dự thảo hơp đồng, trong đó sẽ quy định chặt chẽ các tiêu chí và có đủ chế tài xử lý khi nhà đầu tư có vi phạm về chất lượng, tiến độ. Thứ năm, khắc phục bất cập về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Việc áp dụng hình thức thu phí kín (mức phí tính theo chiều dài quãng đường sử dụng) sẽ đảm bảo tính công bằng cho người sử dụng. Đồng thời, sẽ áp dụng công nghệ thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng và có hệ thống giám sát trực tuyến để chống thất thu; thực hiện công khai các số liệu thu phí (mức phí, thời gian thu phí, tổng vốn đầu tư…) để đảm bảo tính minh bạch.
“Trong quá trình triển khai dự án, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng để dự án đạt được hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, để triển khai dự án thành công, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, Bộ GTVT rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành địa phương, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng”, Bộ GTVT cho biết.
Nguồn baogiaothong.vn