Sáng 28/6, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT để phân tích, đánh giá toàn diện về kết quả cũng như những tồn tại, hạn chế và định hướng tháo gỡ về cơ chế cho các hoạt động KHCN trong ngành GTVT.
Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, Thứ trưởng Thường trực Ngô Thịnh Đức và các đồng chí Thứ trưởng đã báo cáo Phó Thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ hiệu quả hoạt động KHCN giai đoạn 2005-2010 của ngành GTVT. Theo đó, trong giai đoạn 2005-2010 hoạt động khoa học công nghệ tiếp tục phát huy có hiệu quả vai trò quản lý kỹ thuật và chất lượng, đạt được những thành tựu có tính chất cơ bản, tập trung.
Cụ thể: đã làm chủ, triển khai ứng dụng thành công nhiều công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển các lĩnh vực của Ngành, biến kết quả hợp tác, chuyển giao, tiếp nhận công nghệ tiến tiến của thế giới thành các công nghệ mang thương hiệu Việt Nam trong các lĩnh vực GTVT, đóng góp có hiệu quả vào tăng giá trị, tăng năng suất, quản lý chất lượng, an toàn khai thác các công trình, sản phẩm. Nhiều công trình, sản phẩm của ngành Giao thông đã đạt trình độ ngang tầm khu vực và thế giới.
Đó là: hầm đường bộ Hải Vân, hầm Đèo Ngang, hầm A-Roàng, đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, đại lộ Thăng Long, áp dụng thành công công nghệ xây dựng cầu dây văng nhịp lớn do các đơn vị trong nước tự thiết kế thi công ở cầu Rạch Miễu, cầu Pá Uôn. Nhiều cảng lớn, cảng nước sâu, cảng trung chuyển như Cái Lân, Vũng Áng, Cái Mép – Thị Vải, cảng Tiên Sa… Công nghiệp giao thông cũng đạt nhiều thành tựu: nhiều gam tàu biển đặc chủng, cỡ lớn như tàu chở dầu cỡ lớn 100.000T, Kho nổi FSO5 150.000T, tàu 53.000T…
Toàn Ngành cũng đang tiếp tục hoàn thiện, cập nhật, chuyển đổi, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Công tác đề xuất, tuyển chọn, triển khai các đề tài, nhiệm vụ KHCN được đổi mới hoàn thiện thêm một bước theo hướng ngày càng gắn kết với thực tế sản xuất, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc từ thực tế sản xuất.
Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, có được những thành tựu đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đối với việc xây dựng chiến lược, quan điểm phát triển KHCN, xác định rõ mục tiêu, lộ trình hợp lý để tiếp nhận, chuyển giao, chỉ đạo thực hiện triển khai ứng dụng công nghệ vào thực tế sản xuất; Do sự tiến bộ về trình độ năng lực và quyết tâm đổi mới công nghệ của các đơn vị tư vấn, chế tạo, xây lắp trong ngành GTVT; Hoạt động KHCN do tập trung bám sát nhu cầu thực tế phục vụ phát triển của ngành GTVT, có trọng tâm, trọng điểm nên thu hút được lực lượng KHCN chủ chốt trong Ngành cùng phối hợp giải quyết dứt điểm từng vấn đề.
Cần được tháo gỡ về cơ chế, chính sách
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cũng thẳng thắn thừa nhận với Phó Thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ những tồn tại và hạn chế mà Bộ GTVT đang cố gắng khắc phục, hoàn thiện. Đó là tỷ trọng đóng góp của các hoạt động KHCN trong việc nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm của ngành GTVT chưa thực sự đáp ứng yêu cầu và chưa tương xứng với tiềm năng của KHCN; Phát triển hoạt động KHCN chưa đồng đều và còn thiếu tính đồng bộ; Năng lực và trình độ quản lý KHCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; Việc đưa kết quả nghiên cứu KHCN vào thực tế sản xuất còn gặp khó khăn ở khâu thử nghiệm; Những khó khăn về công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng như các tồn tại khác rất cần sự quan tâm, giúp đỡ và tìm cách tháo gỡ của Chính phủ và các bộ, ngành. Ví dụ như việc có một đơn giá sát với thực tế đối với các công trình giao thông hay các cơ chế tài chính cho hoạt động KHCN, nhất là những công trình phải thử nghiệm trên thực tế…
Trong 5 năm tới, ngành GTVT tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động KHCN với mục tiêu số một là tăng tỷ trọng đóng góp của KHCN trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Ngành; Ưu tiên chủ động tiếp cận, nghiên cứu triển khai ứng dụng, tiếp nhận chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phát triển sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển hệ thống GTVT hiện đại, chất lượng, hiệu quả cao, thân thiện môi trường; Tiếp tục tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, công trình giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển các lĩnh vực của Ngành. Công tác này phải được thực hiện đồng bộ, có hệ thống từ quy hoạch, lựa chọn công nghệ, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quản lý khai thác, vận hành sau đầu tư.
Bộ GTVT cũng đề xuất một số nhóm giải pháp tổng thể và cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch KHCN giai đoạn 2011-2015.
Kết luận sau các buổi làm việc tại Bộ GTVT và các đơn vị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Chính phủ đã đánh giá cao và cảm ơn những nỗ lực của CBCNV ngành GTVT trong công tác KHCN cũng như hoạt động nhằm phát triển Ngành đã góp phần tạo ra diện mạo mới của đất nước.
Trong thời điểm hiện nay, Bộ GTVT cần thực hiện 5 nhiệm vụ là: Lãnh đạo Bộ GTVT phải có sự quan tâm, cam kết trong việc ứng dụng KHCN; Có định hướng nghiên cứu KHCN của Ngành trong 10 năm tới; Lập quy chế triển khai đề tài ứng dụng; Các hoạt động KHCN phải được tổng kết sau mỗi công trình lớn cũng như mỗi năm/lần và 5 năm/lần; Bộ GTVT cần sớm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Ngành.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ GTVT cùng các bộ, ngành sớm thảo luận để tìm ra cơ chế tài chính phù hợp nhằm động viên, khuyến khích các nhà khoa học phát huy sáng kiến, cũng như tìm cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng KHCN.