Bộ mặt hạ tầng hàng không sẽ có đổi thay đáng kể khi những kế hoạch đầu tư lớn đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai trong 5 năm tới.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn (bìa trái) trao đổi với đại diện các cơ quan chức năng khi kiểm tra tiến độ thi công Dự án cải tạo nâng cấp đường cất/ hạ cánh, đường lăn CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, ngày 15/7/2020. Ảnh: Phan Tư
Nhiều sân bay quá tải trầm trọng
Chia sẻ với Báo Giao thông, Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh tiết lộ kế hoạch đầu tư đầy tham vọng để nâng cấp cả về số lượng (công suất) và chất lượng hệ thống cảng hàng không, sân bay do doanh nghiệp này quản lý, khai thác.
“5 năm nữa, chỉ tính riêng hệ thống cảng do ACV quản lý, năng lực hạ tầng cũng phải tăng thêm khoảng 70 triệu khách, tức là hơn gấp đôi so với công suất hiện tại của toàn hệ thống cảng hàng không trên cả nước, mới đang đạt khoảng 90 triệu khách/năm”, ông Thanh nói và cho biết thêm: Không tính dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang gấp rút triển khai với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 4,7 tỷ USD, ACV cũng đã lên kế hoạch đầu tư, nâng cấp hàng loạt cảng hàng không hiện hữu với tổng số tiền lên tới hơn 66,6 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 3 tỷ USD) trong giai đoạn 2021 – 2025.
Những dự án lớn gồm: Đầu tư gần 12 nghìn tỷ đồng xây mới nhà ga T3 công suất 20 triệu khách/năm, mở rộng nhà ga T1 tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; gần 10 nghìn tỷ đồng cho việc mở rộng nhà ga hành khách T2 và xây mới nhà ga hành khách T3 công suất 10 triệu khách/năm tại Nội Bài; hơn 5.600 tỷ đồng xây thêm 1 nhà ga hành khách công suất 10 triệu khách/năm cùng một nhà ga hàng hóa mới tại Cảng hàng không Đà Nẵng.
Tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, ngoài việc xây thêm một nhà ga công suất 10 triệu khách/năm, ACV còn lên kế hoạch cải tạo, nâng cấp mở rộng sân đỗ máy bay, xây dựng ga hàng hóa với tổng vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng.
Gần 4.000 tỷ đồng khác sẽ được dùng để chi cho Cảng Hàng không Phú Quốc để xây thêm nhà ga và mở rộng sân đỗ.
“Những cảng hàng không khác như: Cát Bi, Thọ Xuân, Đồng Hới, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Mê Thuột, Liên Khương, Côn Đảo… cũng đều có mặt trong danh sách đầu tư, nâng cấp, mở rộng với số tiền dành cho mỗi sân bay đều khoảng vài nghìn tỷ đồng”, ông Thanh tiết lộ.
Tại Cảng hàng không Chu Lai, Tập đoàn Vingroup cũng đã đề xuất Chính phủ được xây dựng Cảng hàng không Chu Lai mới để thay thế cảng cũ với tổng vốn đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh).
Nhà đầu tư sẽ bỏ chi phí đầu tư xây dựng sân bay mới hoàn toàn. Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư sở hữu và được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định. Ngoài ra, Vingroup cũng đề nghị đầu tư một khu đô thị sân bay Chu Lai quy mô hơn 1.000ha với tổng vốn hơn 20 nghìn tỷ đồng.
Một số sân bay khác như Điện Biên, Nà Sản, Sa Pa… nhiều khả năng cũng sẽ được xây mới với tổng vốn đầu tư lên tới vài nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho hay, Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không sân bay, trong đó có 9 cảng hàng không quốc tế và 13 cảng hàng không nội địa. Tổng công suất hệ thống cảng đạt 91 triệu hành khách/năm.
“Một số sân bay đã và đang khai thác vượt công suất thiết kế, chẳng hạn như Nội Bài (công suất 21 triệu khách/năm nhưng năm 2019 đã đón 29,2 triệu hành khách); Tân Sơn Nhất công suất 28 triệu khách/năm, nhưng năm 2019 đã đón hơn 41,2 triệu hành khách; Đà Nẵng công suất 10 triệu khách/năm nhưng năm 2019 đã đón 15,5 triệu hành khách; Cam Ranh công suất 5,1 triệu khách/năm nhưng năm 2019 đón 9,7 triệu hành khách”, ông Thắng nói và cho biết thêm: Một số cảng hàng không, sân bay khác đã khai thác đạt hoặc xấp xỉ đạt ngưỡng công suất thiết kế như: Thọ Xuân, Cát Bi, Vinh, Phù Cát, Tuy Hòa.
“Về tổng thể, nhu cầu vận tải bằng đường hàng không đang vượt tổng công suất hệ thống. Điều này đặt áp lực lớn lên hạ tầng, đòi hỏi các cảng cần sớm nâng cấp, mở rộng”, ông Thắng nói.
Thay đổi cả lượng lẫn chất
Thông tin về việc đầu tư vào hạ tầng hàng không, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực này cho hay: Từ khoảng những năm 2000, hạ tầng hàng không bắt đầu được tập trung đầu tư bài bản. Đến nay, các hạ tầng hàng không về cơ bản đã được hiện đại hóa rất nhiều.
“Tổng số tiền đầu tư cho hạ tầng hàng không trong 20 năm qua lên tới cả chục tỷ USD chứ không hề ít. Có sân bay được nâng cấp, đầu tư mới, cụ thể là Vân Đồn, Phú Quốc. Những sân bay được đầu tư nâng cấp, mở rộng, chỉnh trang trải dài từ Bắc chí Nam, cụ thể là: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Bài, Cát Bi, Phù Cát, Đà Nẵng, Tuy Hoà, Cam Ranh… Công nghệ áp dụng tại các sân bay cũng tương đối hiện đại. Các đường băng mới ở Cam Ranh, Vân Đồn, Phú Quốc hay các đường băng đang được sửa chữa nâng cấp tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất đều được thiết kế theo các tiêu chuẩn mới nhất hiện nay”, vị chuyên gia nói.
Theo chuyên gia này, 5 năm tới, nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng hàng không vẫn rất lớn. Đó là Long Thành, Sa Pa, Chu Lai, Điện Biên, Phan Thiết… sơ bộ đã thấy cả chục tỷ USD nữa sẽ tiếp tục đổ vào hạ tầng hàng không, trong đó riêng Long Thành đã chiếm khoảng 5 – 6 tỷ USD. Hạ tầng hàng không đủ sức hấp dẫn để thu hút đầu tư.
Đáng chú ý, theo chuyên gia, từ đầu những năm 2000, dễ dàng nhận thấy vốn đầu tư hạ tầng hàng không đều là ngân sách nhà nước. Dần dần, từ năm 2010, chủ yếu là vốn của ACV, Quản lý bay và các DN nhà nước khác. Tuy nhiên, 5 năm tới sẽ chứng kiến nguồn vốn đầu tư từ xã hội, từ khối tư nhân tiếp tục ồ ạt đổ vào hạ tầng hàng không.
“Việc Quốc hội vừa thông qua Luật PPP sẽ là tiền đề rất lớn, cởi trói cho việc tham gia của khối tư nhân, khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh vào hạ tầng hàng không”, chuyên gia nhận định và cho rằng, dịch Covid-19 đã để lại cho ngành hàng không thế giới và Việt Nam rất nhiều bài học. Hàng không càng phải thúc đẩy các công nghệ mới, nổi bật như công nghệ không tiếp xúc, nhận diện bằng khuôn mặt, mống mắt. Nhà ga sẽ thông thoáng hơn rất nhiều, do hành khách phải chờ đợi, lưu lại quá lâu trong quá trình làm thủ tục, kiểm soát an ninh…
Đồng quan điểm, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh tiết lộ, trong vòng 5 năm nữa, khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ có một sân bay tự động từ A – Z.
Hành khách có thể vào sân bay, làm thủ tục hàng không (check-in), kiểm tra an ninh, làm thủ tục xuất nhập cảnh, lên máy bay mà không phải giáp mặt bất kỳ một nhân viên hàng không nào.
“Những công nghệ hiện đại bậc nhất của hàng không sẽ được tích hợp tại sân bay Long Thành. Trí tuệ nhân tạo sẽ được áp dụng vào hệ thống làm thủ tục hành khách, hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh sẽ hỗ trợ việc nhận dạng và xác định danh tính của hành khách thông qua dữ liệu sinh trắc học như khuôn mặt, dấu vân tay…”, ông Thanh cho hay.
Nguồn: baogiaothong.vn