Quá trình xem xét phân chia dự án cao tốc Bắc – Nam, Bộ GTVT đã đưa ra các tiêu chí và có đánh giá rất kỹ để đảm bảo hiệu quả và tính kết nối.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7
Chiều tối 1/8, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, trả lời câu hỏi của phóng viên về dự án cao tốc Bắc – Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết dự án đã được xác định những đoạn ưu tiên để thực hiện giai đoạn 2018 – 2021, với chiều dài 654 km, chia thành 8 dự án thành phần.
“Quá trình xem xét phân chia dự án này, Bộ GTVT đã đưa ra các tiêu chí và có đánh giá rất kỹ từng dự án thành phần. Bởi dự án cao tốc Bắc Nam đã xác định sẽ thu phí theo hình thức dự án đối tác công tư, như vậy mọi yếu tố như tính hiệu quả của dự án, tính kết nối với các trung tâm, kết nối với các đường hiện hữu, những trung tâm kinh tế, chính trị dọc tuyến… đều phải được xem xét, tính toán kỹ”, Thứ trưởng Đông cho biết.
Về ý kiến đấu thầu sơ tuyển cao tốc Bắc – Nam có nhiều tiêu chí quá cao khiến nhà đầu tư trong nước khó tham gia và khiến cho các gói thầu này dễ rơi vào tay nhà thầu nước ngoài, trong khi đây là tuyến đường trục xương sống quốc gia, rất cần lưu ý vấn đề an ninh quốc phòng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Dự án áp dụng hình thức đối tác công tư PPP thì theo Luật Đấu thầu phải đấu thầu quốc tế.
Tuy nhiên, Luật Đấu thầu quy định, trong trường hợp ảnh hưởng an ninh quốc phòng thì cấp có thẩm quyền quyết định.
Hiện Bộ GTVT đã tổng hợp các hồ sơ sơ tuyển dự thầu, báo cáo Chính phủ xem xét.
“Chúng tôi sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, của các cấp thẩm quyền liên quan đến các vấn đề đấu thầu để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật, các cấp có thẩm quyền và Nghị quyết của Quốc hội”, Thứ trưởng khẳng định.
Cũng tại buổi họp báo, trước ý kiến lo ngại về hồ sơ mời thầu dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông có thể rơi vào tay nhà đầu tư Trung Quốc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hồ sơ mời thầu là rất quan trọng. Đây là dự án huyết mạch với tổng chiều dài hơn 600km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn trăm nghìn tỉ đồng. Qua sơ tuyển hồ sơ mời thầu, có cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia dự án.
Tinh thần chỉ đạo chung là đấu thầu quốc tế rộng rãi, công khai, minh bạch, không thất thoát, không tiêu cực để chọn các nhà thầu có năng lực.
Tuy nhiên, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT rà soát lại dự án, đảm bảo một số tuyến đấu thầu cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia.
Trong tuyến đường 654km này có 11 dự án, trong đó có 2 dự án sẽ khởi công vào tháng 10/2019, và dự án cầu Mỹ Thuận sẽ được khởi công vào cuối quý 1 hoặc đầu quý 2/2020.
Còn lại 8 dự án sẽ xem xét lại liên quan tới vấn đề đoạn tuyến, vấn đề quốc phòng an ninh, Bộ GTVT tiếp tục báo cáo Thủ tướng để xử lý đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội.
“Bên cạnh đó việc triển khai dự án phải bảo đảm vấn đề chất lượng, an toàn. Về lâu dài là vấn đề an ninh trật tự, về lòng dân. Thủ tướng rất quan tâm”, ông Dũng nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Vụ Đối tác công tư (PPP – Bộ GTVT), tính đến nay, các Ban QLDA đã phát hành 120 bộ hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư tại 8 dự án cao tốc Bắc – Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trong 120 bộ hồ sơ đã phát hành, có 26 nhà đầu tư trong nước và 14 nhà đầu tư nước ngoài đến từ: Hàn Quốc, Pháp, Anh, Hồng Kông, Trung Quốc,… mua hồ sơ sơ tuyển. Theo kế hoạch, đầu tháng 7/2019, thời gian bán hồ sơ mời sơ tuyển sẽ kết thúc. Sau đó, Bộ GTVT sẽ tiến hành tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 8 dự án cao tốc Bắc – Nam thực hiện bằng hình thức PPP.
Được biết, trong hồ sơ mời sơ tuyển 8 dự án cao tốc Bắc – Nam thực hiện theo hình thức PPP, để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100.
Cụ thể, năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm); năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 30% tổng số điểm (30 điểm) và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 10% tổng số điểm (10 điểm).
Nguồn baogiaothong.vn