Sáng 30/7, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Lễ Công bố Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi Lễ Công bố Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn đến 2050
Đến dự buổi lễ có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng nhiều đại diện Bộ, ban, ngành và địa phương lân cận.
Tổng Giám đốc TEDI Phạm Hữu Sơn phát biểu tại hội nghị
Đồ án cho hiện tại và cả tương lai
Thủ đô Hà Nội hiện nay có diện tích 3.344km2, với 16.132km đường bộ, 400km đường thủy, chưa có đường sắt đô thị mà chỉ có các tuyến đường sắt quốc gia phục vụ giao thông liên tỉnh. Trải qua giai đoạn phát triển đô thị gấp gáp trong gần 10 năm qua, hệ thống hạ tầng giao thông, mạng lưới vận tải của Thủ đô đang bộc lộ nhiều bất cập, không theo kịp tốc độ phát triển dân cư, kinh tế, xã hội.
Để khắc phục hiện trạng đó, tạo tiền đề cho sự phát triển, biến Hà Nội thành đô thị trung tâm, “Trái tim” của cả nước, UBND TP Hà Nội đã trình Chính phủ xem xét và được phê duyệt Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1587/2008/QĐ – TTg ngày 25/8/2010. Sau nhiều năm khảo sát, xây dựng và được Chính phủ, các Bộ ngành hữu quan thẩm định nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học, ngày 30/7, đại diện cho lãnh đạo, các cấp ngành chức năng và Nhân dân Thủ đô, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã công bố Đồ án chi tiết Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồ án được giao cho Tổng Công ty Thiết kế tư vấn GTVT (TEDI) khảo sát, xây dựng chi tiết kế hoạch phát triển giao thông với cả 4 loại hình: đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường không. Quy hoạch khi đưa vào thực hiện sẽ tăng cường khả năng kết nối Hà Nội với khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực Bắc Bộ, với cả nước và quốc tế; đồng thời chú trọng phát triển mạng lưới nội tại, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển của Nhân dân Thủ đô.
“GTVT phải đi trước”
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nói: “Đây là một đồ án quy hoạch rất chi tiết, khoa học và khả thi; khi đưa vào thực hiện sẽ có tác động sâu sắc đến sự phát triển không chỉ của Hà Nội mà toàn Vùng Thủ đô, vùng kinh tế Bắc Bộ và cả nước. Trong công cuộc xây dựng kinh tế – xã hội, GTVT phải đi trước một bước, làm tốt vai trò tạo lập khung hệ thống không gian để góp phần đưa Hà Nội thành đô thị phát triển nhất cả nước”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao tặng Đồ án Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội cho đại diện các tỉnh, thành trong Vùng Thủ đô
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các Bộ: Xây dựng, GTVT, Kế hoạch đầu tư… phối hợp chặt chẽ với Hà Nội, kêu gọi đầu tư, giám sát, góp ý và hỗ trợ Hà Nội vượt qua những khó khăn, thách thức trong suốt quá trình thực hiện Quy hoạch.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Trước mắt chính quyền Thủ đô cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức thực hiện Quy hoạch để làm tốt công tác quản lý đầu tư, xây dựng”.
Bản đồ Quy hoạch Tổng thể mạng lưới GTVT Thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn đến 2050
Đáp lại sự quan tâm chân thành của Phó Thủ tướng cùng các Bộ, ngành chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết: “Chắc chắn việc thực hiện Quy hoạch GTVT sẽ gặp nhiều khó khăn, chính quyền, các cơ quan chuyên trách và Nhân dân Hà Nội sẽ còn nhiều việc phải làm, phải cố gắng. Tuy nhiên, Hà Nội sẽ toàn lực hiện thực hóa Đồ án Quy hoạch, tạo bước đệm cơ sở cho sự phát triển lâu dài, đưa Thủ đô thành hạt nhân trung tâm của cả vùng kinh tế Bắc Bộ, xứng đáng là trái tim của cả nước”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc đến Chính phủ, các Bộ, ngành hữu quan, Tổng Công ty TEDI, các nhà khoa học, và toàn thể Nhân dân đã ủng hộ, hỗ trợ TP hoàn thành Đồ án Quy hoạch GTVT.
Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn đến 2050, tỷ lệ đường giao thông tính trên diện tích đất xây dựng của Hà Nội sẽ đạt 20 – 26% tại đô thị trung tâm, 16 – 23% cho các đô thị vệ tinh, thị trấn; mật độ giao thông 4 – 6,5km/km2; mật độ mạng lưới vận tải đạt 2 – 2,5km/km2; giao thông tĩnh đạt 3 – 4%.
Quy hoạch GTVT Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ ưu tiên phát triển mạng lưới VTHK công cộng, phấn đấu đến 2030 đáp ứng 50 -55% nhu cầu đi lại; sau năm 2030 đáp ứng 65 – 70% tại các đô thị trung tâm. Đối với các đô thị vệ tinh, khả năng đáp ứng đến 2030 là 40%; sau năm 2030 là 50%.