Ngày 17/12/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1587/QĐ-TTg phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
TEDI là thành viên đứng đầu Liên danh tư vấn lập quy hoạch. Các nội dung chính của điều chỉnh quy hoạch bao gồm:
1) Nâng cao mục tiêu về vận tải
Đến năm 2030, khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt khoảng 835 triệu tấn; khối lượng vận chuyển hành khách đạt khoảng 418 triệu lượt khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt khoảng 164 tỷ tấn.km; Khối lượng luân chuyển hành khách nội địa khoảng 9 tỷ khách.km.
2) Tăng khối lượng vận tải trên 9 hành lang vận tải thủy
– Hành lang vận tải thủy ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang: khối lượng vận tải 97,5÷105 triệu tấn; phục vụ nhu cầu vận tải của các tỉnh, thành phố ven biển và các địa phương có tuyến vận tải sông biển kết nối. Trong đó, riêng khu vực miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có 11 tuyến vận tải chính và các sông khác có khả năng khai thác vận tải thủy kết nối trực tiếp với hành lang vận tải thủy ven biển; khối lượng vận tải khoảng 15÷18 triệu tấn.
– Hành lang vận tải thủy Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội: khối lượng vận tải khoảng 108÷115,7 triệu tấn.
– Hành lang vận tải thủy Quảng Ninh – Hải Phòng – Ninh Bình: khối lượng vận tải khoảng 60,3÷65,3 triệu tấn.
– Hành lang vận tải thủy Hà Nội – Nam Định – Ninh Bình: khối lượng vận tải khoảng 22,4÷23,6 triệu tấn.
– Hành lang vận tải thủy Hà Nội – Việt Trì – Lào Cai: khối lượng vận tải khoảng 33,7÷36,4 triệu tấn.
– Hành lang vận tải thủy Thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Cà Mau: khối lượng vận tải khoảng 264,4÷285 triệu tấn
– Hành lang vận tải thủy Thành phố Hồ Chí Minh – An Giang – Kiên Lương: khối lượng vận tải 66,85÷70,7 triệu tấn.
– Hành lang vận tải thủy Tây Ninh – Thành phố Hồ Chí Minh – Bà Rịa Vũng Tàu (khu cảng biển Cái Mép Thị Vải – cảng biển quốc tế Cần Giờ): khối lượng vận tải khoảng 43,3÷48,7 triệu tấn.
– Hành lang vận tải thủy kết nối với Campuchia (qua sông Tiền, sông Hậu): khối lượng vận tải 15,1÷18,2 triệu tấn.
3) Nâng tổng công suất của các cụm cảng
– Quy hoạch 54 cụm cảng hàng hóa, tổng công suất khoảng 513 triệu tấn, gồm: Miền Bắc có 25 cụm cảng, tổng công suất khoảng 290 triệu tấn; miền Trung có 08 cụm cảng, tổng công suất khoảng 19 triệu tấn; miền Nam có 21 cụm cảng, tổng công suất khoảng 204 triệu tấn.
– Quy hoạch 39 cụm cảng hành khách chính với tổng công suất khoảng 68,7 triệu lượt khách, gồm: Miền Bắc có 10 cụm cảng, tổng công suất khoảng 18,1 triệu lượt khách; miền Trung có 14 cụm cảng, tổng công suất khoảng 3,5 triệu lượt khách; miền Nam có 15 cụm cảng, tổng công suất khoảng 47,1 triệu lượt khách.
4) Tăng nhu cầu sử dụng đất và mặt nước
– Nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030 tăng từ khoảng 5.908 ha lên 6.569 (khu vực miền Bắc khoảng 3.219 ha, khu vực miền Trung khoảng 421 ha, khu vực miền Nam khoảng 2.929 ha);
– Nhu cầu sử dụng mặt nước từ khoảng 8.765 ha tăng lên 9.775 ha (khu vực miền Bắc khoảng 4.667 ha, khu vực miền Trung khoảng 568 ha, khu vực miền Nam khoảng 4.540 ha).
5) Nhu cầu vốn đầu tư
Nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa giai đoạn 2021-2030 tăng lên khoảng 187.533 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đầu tư luồng chuyên dùng và các cảng chuyên dùng).
Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định địa điểm, quy mô công suất các cảng thuộc mục “cảng khác” nêu tại Phụ lục III (kèm theo quyết định số 1587/QĐ-TTg) để địa phương cập nhật trong quy hoạch tỉnh và trong các quy hoạch triển khai quy hoạch tỉnh làm cơ sở để đầu tư.