Hơn 2/3 số thành viên Hội đồng Thẩm định Nhà nước đã đồng ý với kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Khởi đầu suôn sẻ
Vào tuần thứ 2 của tháng 9/2021, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Nhà nước đã ký Báo cáo số 6111/BC-HĐTĐNN kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
Báo cáo số 6111 cho biết, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, sau khi tiếp thu, giải trình, hoàn thiện theo ý kiến của các thành viên Hội đồng, đã có đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP).
Sau khi biểu quyết bằng văn bản, 12/14 thành viên Hội đồng (đạt trên 2/3 số thành viên) đồng ý thông qua Báo cáo kết quả thẩm định, trong đó 6/14 thành viên Hội đồng có ý kiến thêm. “Với kết quả bỏ phiếu này, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đã đạt điều kiện thông qua”, Báo cáo số 6111 nêu rõ.
Để kịp tiến độ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án trong Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Hội đồng Thẩm định Nhà nước đã thống nhất kiến nghị Chính phủ xem xét, thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 theo đề nghị của Bộ GTVT.
Hội đồng Thẩm định Nhà nước kiến nghị Chính phủ giao Bộ GTVT tiếp thu ý kiến của Hội đồng và ý kiến của các thành viên Chính phủ hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư công trình.
“Việc Hội đồng Thẩm định Nhà nước thông qua Báo cáo thẩm định là bước tiến dài của Dự án. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm nhận được các ý kiến của thành viên Chính phủ để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”, ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT), đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 cho biết.
Trước đó, cuối tháng 7/2021, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 7766/BGTVT-ĐTCT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, Bộ GTVT đề xuất phạm vi đầu tư Dự án là 729 km, gồm 3 đoạn là Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị); Quảng Ngãi đến Nha Trang và từ Cần Thơ đến Cà Mau.
Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT đề xuất chia Dự án thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập. Cụ thể, 9 dự án thành phần gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Vũng Áng (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến Nha Trang (Khánh Hòa); từ Cần Thơ đến Cà Mau dài khoảng 552 km sẽ được đầu tư theo phương thức PPP. Tổng mức đầu tư dự kiến của 9 dự án này khoảng 114.088 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia khoảng 57.044 tỷ đồng (50%), phần còn lại sẽ do nhà đầu tư huy động.
Đối với 3 dự án thành phần từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị) có chiều dài khoảng 177 km, Bộ GTVT đề xuất tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành các dự án độc lập. Các dự án này sẽ sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước với chi phí khoảng 4.584 tỷ đồng để tiến hành đồng thời công tác giải phóng mặt bằng với 9 dự án PPP.
Qua khảo sát, đơn vị tư vấn cho biết, năng lực vận tải của Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và một số tuyến song hành khác qua Quảng Bình, Quảng Trị có thể đáp ứng nhu cầu vận tải đến khoảng năm 2028. Do vậy, đối với 3 đoạn Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh và Vạn Ninh – Cam Lộ (dài 177 km), có thể thực hiện trước công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư trong giai đoạn 2021 – 2025 và chuyển tiếp đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết.
Tổng nhu cầu vốn bố trí trong giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 49.233 tỷ đồng;
phần còn lại khoảng 12.395 tỷ đồng, chuyển tiếp bố trí giai đoạn 2026 – 2030. Đồ họa: Thanh Huyền
Gian nan vốn tín dụng
Được biết, ngoài Tờ trình số 7766, trong quá trình Hội đồng Thẩm định Nhà nước làm việc, Bộ GTVT đã có ít nhất 2 văn bản giải trình, làm rõ ý kiến của các thành viên Hội đồng.
Mặc dù nhận được sự đồng thuận của đa số thành viên Hội đồng, nhưng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 của Bộ GTVT vẫn có khá nhiều điểm cần tiếp tục bổ sung làm rõ, trong đó có phương án đầu tư được đề xuất lựa chọn.
Cụ thể, tại Báo cáo số 6111, Hội đồng Thẩm định Nhà nước cho rằng, phương án đầu tư do Bộ GTVT đề xuất chưa hoàn toàn đạt được mục tiêu nêu trong Chiến lược Phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua, đó là đến năm 2025 phải cơ bản hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Cần phải nói thêm, trong số 2.063 km nằm trong Quy hoạch tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau dài 2.063 km, tính đến tháng 9/2021, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư. Với 552 km dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025, dù chưa thể đóng mạch toàn bộ, nhưng tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông vẫn sẽ là mang lại động lực phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng cho 31 tỉnh, thành phố dọc tuyến đường.
Một điểm cấn cá khác được Hội đồng Thẩm định Nhà nước nêu ra liên quan đến phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư công trình. Hội đồng cho rằng, việc Bộ GTVT đề xuất giải phóng mặt bằng toàn bộ 12 dự án thành phần theo quy mô quy hoạch sẽ tạo điều kiện chủ động cho quá trình thực hiện Dự án và phù hợp với phương án giải phóng mặt bằng Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng trước 3 dự án thành phần là Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh, Vạn Ninh – Cam Lộ (khi chưa có phương án đầu tư xây dựng ở giai đoạn này) cần lường trước yếu tố có thể lãng phí nguồn lực trong trường hợp Dự án không huy động được nguồn vốn đầu tư.
“Bộ GTVT cần nghiên cứu kỹ xây dựng phương án giải phóng mặt bằng trong quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cho phù hợp để đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí”, Hội đồng Thẩm định Nhà nước khuyến nghị.
Liên quan đến khả năng thu hồi vốn cho 9 dự án PPP thành phần – thông tin được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm, chỉ tiêu giá trị hiện tại thuần được đề cập trong Tờ trình số 7766 là khoảng 673 tỷ đồng, cho thấy công trình đạt hiệu quả tài chính.
Tại Báo cáo kết quả thẩm định số 6111, Hội đồng Thẩm định Nhà nước cho rằng, yếu tố vốn vay ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và phương án tài chính khi đầu tư Dự án theo phương thức PPP cần được cân nhắc, xem xét thêm, do cả 9 dự án PPP thành phần đều có nhu cầu vốn vay lớn, thời gian hoàn vốn quá dài, trong khi nguồn vốn của các tổ chức tín dụng trong nước chủ yếu là ngắn hạn.
Tại các báo cáo giải trình, Bộ GTVT cho rằng, Luật Đầu tư PPP đã được ban hành với nhiều cơ chế mới về huy động vốn như: mở rộng đối tượng được huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác, doanh nghiệp dự án đã được phép phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tránh phải phụ thuộc quá nhiều vào vốn tín dụng.
Trên thực tế, lộ trình phát hành trái phiếu một số nhà đầu tư tại 3 dự án PPP thành phần Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 cũng đang hết sức “truân chuyên” do những quy định chưa hợp lý trong một số văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Đầu tư PPP.
Theo Hiệp hội Các nhà đầu tư các công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), điểm d, khoản 2, Điều 4, Nghị định 28/2021/NĐ-CP về quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo hình thức PPP chỉ cho phép cơ quan có thẩm quyền tham khảo lãi suất cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại; lãi suất vốn vay của dự án tương tự để làm cơ sở lập phương án tài chính mời gọi nhà đầu tư.
VARSI cho rằng, do lãi suất vay vốn tín dụng và lãi suất phát hành trái phiếu luôn có độ chênh khá lớn, nên việc cơ quan quản lý chỉ căn cứ vào lãi suất cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại làm cơ sở lập phương án tài chính là chưa đầy đủ, nhất là trong bối cảnh các dự án hạ tầng giao thông thường có độ rủi ro khá cao.
“Nếu phát hành bằng lãi suất của các ngân hàng, thì trái phiếu doanh nghiệp PPP cao tốc sẽ không có tính hấp dẫn, nhưng nếu đẩy cao hơn thì nhà đầu tư giao thông sẽ bị mất máu rất nhanh, do trong 2/3 vòng đời tại các dự án PPP cao tốc luôn phải ghi nhận lỗ lớn vì chưa đạt điểm hòa vốn”, một nhà đầu tư phân tích.
Nguồn: baodautu.vn