Dự án xây dựng cầu Cổ Chiên có tổng mức đầu tư 3.798, 440 tỷ đồng, trong đó dự án thành phần 1 (xây dựng phần cầu chính) có vốn đầu tư trên 2.210 tỷ đồng được thực hiện theo hình thức BOT; dự án thành phần 2 có vốn đầu tư là 1.588,261 tỷ đồng thực hiện bằng vốn ngân sách Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Như Thạo, Phó Tổng giám đốc Ban QLDA7 cho biết, hiện nay chỉ mới triển khai được dự án thành phần 2 sử dụng nguồn vốn ngân sách. Cụ thể, đã triển khai xong công tác GPMB. Gói thầu số 1 xây dựng cầu Tân Điền ở phía Bến Tre đã hoàn thành xong toàn bộ phần hạ bộ gồm 2 mố, 6 trụ, nhà thầu đang tiến hành đúc dầm, dự kiến tháng 11/2012 sẽ hoàn thành. Gói thầu số 2 xây dựng cầu Dừa Đỏ cũng đã hoàn thành trên 95% khối lượng.
Ông Thạo cũng cho biết, 3 gói thầu còn lại gồm gói 5 (thi công đường huyện lộ 17 đến mố A phía Bến Tre), gói 6 (toàn bộ đường phía Trà Vinh), gói 7 (cầu Rạch Dừa, cầu Trung ương Đoàn) sẽ đấu thầu trong tháng 10/2012 và khởi công vào tháng 11/2012. Theo kế hoạch vốn bố trí năm 2012 được 30 tỷ đồng và có thêm 170 tỷ đồng từ nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2011 nên cũng tạm đủ vốn cho các nhà thầu thi công.
Căng nhất là dự án thành phần 1 (thi công phần cầu chính) có tổng vốn đầu tư trên 2.200 tỷ đồng được đầu tư BOT. Các phương án đầu tư cũng đã được đưa ra để huy động vốn. Phương án 1 là thời gian thu phí là 25 năm có thể huy động khoảng 2.100 tỷ đồng; phương án 2 là thu phí 20 năm huy động 1.500 tỷ đồng và phương án 3 thu phí dưới 20 năm huy động được 1.200 tỷ đồng. Song khả năng nghiêng về phương án 3 là lớn nhất bởi phù hợp với năng lực của các nhà đầu tư để đàm phán vay vốn ngân hàng, còn khoảng 1.000 tỷ đồng phải xin sử dụng vốn ngân sách.
Ông Thạo cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay là thành lập doanh nghiệp BOT. Trong hơn 1 năm qua, mặc dù Bộ GTVT đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, tuy nhiên đến thời điểm này mọi công việc vẫn chưa thực hiện được.
Tại thời điểm chuẩn bị khởi động dự án, có 4 đơn vị đăng ký tham gia thành lập doanh nghiệp BOT là Cienco 1, Cienco 4, Cienco 8 và Công ty CP Năm Bảy Bảy. Nhưng gần 1 năm qua, các đơn vị này vẫn chưa có văn bản cam kết tham gia góp vốn đầu tư cũng như xác định chính thức tỷ lệ góp vốn của từng thành viên liên doanh. Ngay như các đơn vị Cienco 1, Cienco 4 vẫn chưa hoàn thành thủ tục tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp để đủ điều kiện tham gia đầu tư dự án theo quy định.
Mới đây, Cienco 8 đã chính thức rút khỏi liên doanh, thay vào đó là Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc. Dự kiến tỷ lệ góp vốn của các đơn vị tham gia liên doanh là Cienco 1: 35%, Cienco 4: 20%, Công ty CP Năm Bảy Bảy: 20% và Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc là 25%.
Trong chuyến kiểm tra thực tế tại hiện trường, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo các đơn vị tham gia liên doanh phải nhanh chóng xác định chính thức tỷ lệ góp vốn của từng thành viên, báo cáo với Ban QLDA7 thẩm định và trình Bộ GTVT quyết định nhà đầu tư trước ngày 15/9/2012.
(Theo báo điện tử giaothongvantai.com.vn ngày 14/9/2012, tác giả Phan Tư)