Ngày 14/10/2023, Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án 7 đã tổ chức lễ hợp long cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch Đầu tư, tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang và các ban ngành liên quan.
Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu nằm trong tổng thể Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Cầu Mỹ Thuận 2 nằm trên tuyến đường cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, vượt qua sông Tiền nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long nằm cách cầu Mỹ Thuận khoảng 350m về phía thượng lưu.
Cầu chính Mỹ Thuận 2 là công trình cầu cấp đặc biệt đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, là công trình cầu dây văng nhịp lớn nhất (350m) được đội ngũ kỹ sư Việt Nam tự thiết kế, quản lý, thi công;
Công trình do TEDI thực hiện công tác Tư vấn thiết kế, được khởi công tháng 2-2020, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Cầu Mỹ Thuận 2 kết nối tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận với cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, rút ngắn thời gian đi lại giữa TP.HCM với các tỉnh miền Tây.
Cầu Mỹ Thuận 2 có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện tuyến cao tốc từ TP HCM đi Cần Thơ, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long; giảm tải cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu và Quốc lộ 1.
Trong quá trình thiết kế cầu Mỹ Thuận 2, đội ngũ cán bộ kỹ sư TEDI đã áp dụng nhiều công nghệ, phần mềm tiên tiến để đưa ra đưa ra giải pháp thiết kế tối ưu. Đặc biệt, TEDi đã ứng dụng công nghệ BIM trong thiết kế cầu Mỹ Thuận 2
Đối với cầu chính Mỹ Thuận 2 với tính chất đặc biệt của công trình, toàn bộ kết cấu của cầu chính được mô hình hóa khá đầy đủ và chính xác. Các hạng mục được triển khai bao gồm:
- Kết cấu trụ neo bao gồm cả hệ cáp dự ứng lực và cốt thép
- Kết cấu trụ tháp (bệ; thân tháp; dầm ngang; neo trên đỉnh tháp với 2 phương án)
- Kết cấu hệ dầm mặt cầu gồm dầm chủ; dầm ngang; hệ thống cáp DƯL và neo;
- Hệ thống các phụ kiện như neo dây văng; gối cầu; khe co giãn.
Mô hình BIM cầu chính
Các vị trí có cấu tạo phức tạp được tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng và mô hình hóa chi tiết nhằm kiểm soát các giao cắt có thể phát sinh ngay từ bước thiết kế kỹ thuật từ đó hạn chế tối đa các khó khăn khi triển khai thực hiện các bước tiếp theo:
- Cấu tạo tại khu vực bệ trụ neo
- Cấu tạo tại khu vực liên kết giữa dầm cầu và thân trụ neo
- Cấu tạo tại khu vực dầm ngang trụ tháp
Các hạng mục thiết kế BIM của cầu chính
Công trình cầu Mỹ Thuận 2 ngoài công năng đảm bảo nhu cầu giao thông còn đóng vai trò làm điểm nhấn cảnh quan cho khu vực. Công trình cầu dây văng Mỹ Thuận 2 với hướng tuyến tối ưu đảm bảo tính kết nối và đồng bộ trên toàn tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Cần Thơ, mang lại hiệu quả lớn về kinh tế xã hội cho vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Cầu Mỹ Thuận 2 được thiết kế đảm bảo vừa đáp ứng được các yêu cầu về kinh tế kỹ thuật, vừa mang tính thẩm mỹ cao, phù hợp với cảnh quan khu vực và thực sự là một điểm nhấn về kiến trúc trong khu vực.