Trong suốt quá trình gần 60 năm xây dựng và phát triển: Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) không ngừng tập trung đổi mới toàn diện để nâng cao tiềm lực, trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ, nhanh chóng nắm bắt và làm chủ các thành tựu khoa học và công nghệ (KHCN) tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Việc học tập để nâng cao năng lực, trình độ tiếp thu, vận dụng và sáng tạo trong khoa học công nghệ không chỉ là đòi hỏi khách quan của sự phát triển, mà còn là nhu cầu, trách nhiệm của mỗi thành viên trong TEDI.

Là đơn vị Tư vấn thiết kế đầu ngành về xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông vận tải tại Việt Nam, TEDI đã và đang tiếp tục khẳng định vị trí tiên phong trong việc phát triển công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học tiên tiến thế giới vào các công trình giao thông của Việt Nam; đặc biệt chú trọng đầu tư nghiên cứu phát triển việc kết hợp giữa kết cấu công trình với kiến trúc mỹ thuật, cảnh quan, môi trường v.v… phù hợp với chiến lược phát triển giao thông bền vững.

TEDI đã và đang đầu tư có chiều sâu các phần mềm khảo sát thiết kế (KSTK), hệ thống thiết bị hiện đại cho mỗi chuyên ngành. Đến thời điểm hiện tại, các phần mềm thiết kế được sử dụng tại TEDI đều có bản quyền, công tác thiết kế đang chuyển đổi thiết kế từ 2D sang thiết kế 3D để kiểm soát tốt nhất chất lượng thiết kế, hướng tới quản lý dự án theo mô hình thông tin công trình (BIM). Các thiết bị hiện đại được đầu tư cho phòng thí nghiệm, quan trắc môi trường, thiết bị phục vụ cho các công nghệ khảo sát thiết kế theo công nghệ mới. Các phần mềm tiên tiến phục vụ công tác tư vấn, dự báo, đánh giá hiệu quả đầu tư dự án cũng đã được đầu tư đồng bộ. Có thể nói, trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, các thế hệ Lãnh đạo và kỹ sư TEDI luôn xác định công tác nghiên cứu ứng dụng KHCN mới vào sản xuất là nền tảng động lực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển KHCN, TEDI đã sớm áp dụng Hệ thống Quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn ISO 9001 trong tất cả các công đoạn và quy trình tạo sản phẩm dịch vụ Tư vấn KSTK, để nhằm mục đích nâng hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và trình độ KHCN trong mỗi sản phẩm của TEDI. Với việc chú trọng đầu tư chiều sâu và đi đầu trong nghiên cứu ứng dụng KHCN tiên tiến: TEDI đã đạt nhiều thành tự xuất sắc trong lĩnh vực Tư vấn KSTK các công trình giao thông vận tải. Nhiều dự án lớn, nhiều công trình trọng điểm của ngành với các công nghệ kỹ thuật mới, hiện đại đã được thực hiện thành công tại Việt Nam đều có sự đóng góp công sức không nhỏ của TEDI. Tiêu biểu trong đó có thể kể tới các dự án/ công trình giao thông theo từng chuyên ngành cụ thể dưới đây:

  • Ứng dụng các phần mềm tình toán RM trong thiết kế nút giao thông ngã ba Huế – Đà Nẵng, nút giao lập thể gồm 3 tầng, trong đó tầng 3 là cầu dây văng;
  • cầu Bắc Luân II – cây cầu hữu nghị nối liền hai nước Việt Nam – Trung Quốc là cầu vòm bê tông có khẩu độ nhịp lớn nhất Việt Nam (105m);
  • Ứng dụng thành công các phần mềm tính toán thiết kế RM, Teckla trong thiết kế cầu Bạch Đằng, được ghi nhận là cầu dây văng bê tông nhiều nhịp nhất với 4 nhịp liên tục (110+240+240+110)m
  • Ứng dụng thành công các phần mềm tính toán thiết kế RM, Teckla trong thiết kế cầu Hoàng Văn Thụ (Hải Phòng) là cầu vòm ống thép nhồi bê tông có khẩu độ nhịp lớn nhất (200m) – công trình có ứng dụng BIM trong thiết kế;
  • Cầu Tân Vũ – Lạch Huyện – cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam (5,44km) vừa được khánh thành;
  • Cầu Hàm Luông – cầu BTCT sử dụng công nghệ đúc hẫng cân bằng cho nhịp dài đến 150m;
  • TEDI đã làm chủ công nghệ thiết kế và giám sát thi công cầu vòm thép nhồi bê tông khẩu độ lớn như: cầu Đông Trù (Hà Nội) với kỷ lục được ghi nhận là công trình cầu vòm liên tục 3 nhịp đầu tiên tại Việt Nam với bề rộng cầu lớn nhất: 54,5m;
  • Ứng công nghệ xây dựng cầu treo và cầu dây văng nhịp lớn có kết cấu và công nghệ xây dựng hiện đại như cầu Cần Thơ, Bãi Cháy, Thuận Phước, Nhật Tân, Bạch Đằng;
  • Ứng dụng công nghệ đúc đẩy, công nghệ đẩy đà giáo (MSS) thích hợp cho các chiều dài vượt nhịp từ 40-70m….
  • TEDI đã làm chủ công nghệ và áp dụng thành công vào thực tế công trình cầu dây văng nhịp lớn do các đơn vị trong nước tự thiết kế và thi công như: Cầu Rạch Miễu, nhịp chính dài 270m.
  • TEDI cũng là đơn vị chủ động đưa ra giải pháp cầu vượt thép với nhiều cải tiến kỹ thuật nhằm đáp ứng mục tiêu thi công nhanh nhất, nhẹ nhất và hiệu quả nhất, giải quyết bài toán ách tắc giao thông ở các TP lớn là Hà Nội và TPHCM.
  • TEDI đã được Hiệp hội giải thưởng kỹ thuật toàn cầu Hoa Kỳ tặng Giải thưởng về Kỹ thuật và Công nghệ cho công trình Hầm đèo Hải Vân;
  • Làm chủ công nghệ thiết thế và thi công hầm theo phương pháp NATM của Áo và thực hiện khảo sát thiết kế thành công hầm đường bộ Đèo Ngang,
  • Ứng dụng các phần mềm chuyên dụng để thực hiện thiết kế hầm Phú Gia – Phước Tượng, phối hợp trong công tác tư vấn hầm Cổ Mã, hầm Đèo Cả.
  • Áp dụng công nghệ thiết kế hầm dìm trong dự án hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn và một số hầm chui trong các thành phố lớn…
  • Làm chủ công nghệ xây dựng nền đường và xử lý nền đất yếu, đã áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như dùng biện pháp gia tải khử lún kết hợp với sử dụng vải địa kỹ thuật, bấc thấm, cọc cát, giếng cát, cọc đất gia cố xi măng, công nghệ cố kết chân không,…
  • TEDI cũng là đơn vị lập dự án và thiết kế nhiều tuyến đường ô tô cao tốc hiện nay như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Láng – Hòa Lạc, Hà Nội – Cầu Giẽ, Cầu Giẽ – Ninh Bình, Hà Nội – Bắc Giang, Bắc Giang – Lạng Sơn, Hạ Long – Vân Đồn, Thái Nguyên – Chợ Mới, v.v…
  • Đặc biệt, TEDI đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Bắc – Nam – công trình trọng điểm quốc gia hiện đang thực hiện TKKT, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách về phát triển tuyến giao thông huyết mạch của cả nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng kinh tế.
  • TEDI cũng tham gia lập dự án, khảo sát, thiết kế các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với phương châm tiếp cận và từng bước chuyển giao công nghệ từ các tổ chức tư vấn quốc tế, tạo nền tảng cho quá trình phát triển lâu dài, củng cố vị trí hàng đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
  • Hiện nay, TEDI đã được lựa chọn là tư vấn đứng đầu liên danh Dự án lập và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

TEDI cũng đã tích cực nghiên cứu ứng dụng các phần mềm trong việc khảo sát giao thông, dự báo, tính toán thiết kế để triển khai các đồ án quy hoạch giao thông Quốc gia, quy hoạch giao thông đô thị với hàng loạt các đồ án đã hoàn thành gần đây: Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch GTVT thành phố Đà Nẵng; Quy hoạch cảng biển Nhóm I, II; v.v…

TEDI tiếp tục giữ vững vị trí top đầu với nhiều công trình cảng lớn suốt dọc bờ biển đất nước: Cảng Lạch Huyện là cảng lớn nhất khu vực miền Bắc cho tàu Container 10 vạn DWT; Cảng Nghi Sơn cho tàu nhập than-dầu 20 vạn DWT phục vụ khu liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn; cảng container CMIT cho tàu 20 vạn DWT; Đê chắn sóng Vũng Áng, Chân Mây, Sông Hậu, Tiên Sa,…; Cảng than nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch tàu 10 vạn DWT; cảng xuất xi măng Nhà máy xi măng Cẩm Phả; …

A. Chuyên ngành Khảo sát địa hình, thủy văn

– Ngoài các phương pháp truyền thống, đã làm chủ các Công nghệ định vị GNSS trong đo đạc khảo sát chi tiết; ứng dụng GIS vào thiết bị cá nhân trên hiện trường; Công nghệ ảnh hàng không kỹ thuật số sử dụng thiết bị bay có điều khiển trong đo đạc thành lập bình đồ chi tiết…và các ứng dụng khác trong việc thu nhận số liệu không gian từ ảnh vệ tinh…

– Làm chủ các kỹ thuật xử lý số liệu tự động hóa, chuyển đổi nhiều định dạng số liệu phù hợp với các phần mềm tiên tiến cập nhật của các đơn vị thiết kế, làm chủ công nghệ xử lý ảnh bay chụp đưa ra các số liệu đáp ứng yêu cầu theo thiết kế truyền thống và số liệu điểm, đám mây điểm, mô hình bề mặt phục vụ thiết kế theo mô hình BIM…

– Nghiên cứu và từng bước làm chủ ứng dụng thiết bị bay có điều khiển kết hợp định vị vệ tinh để khảo sát, quan trắc và cảnh báo sụt trượt taluy đường, công tác tích hợp số liệu địa hình bề mặt ảnh bay chụp với số liệu khoan thăm dò địa chất…

B.Chuyên ngành Khảo sát địa chất, thí nghiệm

– Ứng dụng phương pháp khoan lấy mẫu thí nghiệm bằng các thiết bị khoan tự hành hiện đại, trong đó áp dụng công nghệ lấy mẫu đá, mẫu bê tông (cọc khoan nhồi, cọc xi măng đất…) bằng ống mẫu nòng đôi, nòng ba, lấy mẫu đất yếu bằng ống mẫu thành mỏng, ống mẫu piston sản xuất tại Nhật Bản; Nghiên cứu lắp đặt, vận hành thiết bị khoan địa chất để có thể thi công tại các khu vực nước sâu, tốc độ dòng cháy lớn, thủy triều lên xuống phức tạp (vùng cửa sông, cửa biển, trên các sông lớn…), khoan xiên, khoan ngang cho các dự án yêu cầu (khảo sát xây dựng các công trình hầm giao thông, công trình phòng hộ mái dốc, duy tu sửa chữa thân đập, mái taluy…

– Ứng dụng phương pháp khảo sát địa vật lý (địa chấn, ảnh điện, laser…) kết hợp với khoan địa chất công trình để khảo sát nghiên cứu các khu vực sụt trượt, hang karst, khoanh vùng đất yếu;  Khảo sát xây dựng công trình giao thông, đặc biệt đối với công trình hầm, công trình phòng hộ mái dốc, nền đường đào sâu và đánh giá khả năng kháng chấn trong thiết kế công trình…

– Ứng dụng đa dạng các thí nghiệm hiện trường bằng thiết bị hiện đại trong khảo sát địa chất công trình, địa chất thủy văn, kiểm định công trình:

  • Thí nghiệm xuyên tiêu chuẩn (SPT), cắt cánh (VST), xuyên tĩnh có đo áp lực nước lỗ rỗng (CPTu), nén ngang trong lỗ khoan (PMT, DMT), các thí nghiệm thấm…
  • Các thí nghiệm kiểm định/thử tải công trình: CBR, DCP, độ chặt nền đắp, mô đun đàn hồi động (FWD), nén tĩnh cọc, nén tĩnh nền, PIT, PDA, Osterberg/O-Cell, nhổ cọc, đẩy ngang cọc, thử tải uốn cấu kiện bê tông cốt thép…

– Thí nghiệm trong phòng đáp ứng đầy đủ yêu cầu phục vụ công tác khảo sát địa chất công trình, địa chất thủy văn, kiểm định công trình như:

  • Thí nghiệm đất, đá, vật liệu xây dựng bao gồm cả vữa, xi măng, gạch, bê tông xi măng, kim loại và mối hàn, nhựa, bột khoáng, bê tông nhựa, vải địa kỹ thuật, bấc thấm…
  • Thí nghiệm đất, đá dăm gia cố chất kết dính.
  • Thí nghiệm phân tích thành phần hóa học của mẫu đất, mẫu nước đánh giá khả năng xâm thực của môi trường với bê tông và bê tông cốt thép.

– Nghiên cứu và lập phần mềm hỗ trợ công tác hiện trường, lập báo cáo khảo sát địa chất công trình và nghiệm thu kết quả khảo sát.