Sáng ngày 03/12/2022, tại cụm công nghiệp Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Lãnh đạo UBND TP Hà Nội và Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội đã tổ chức khởi công Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 6, đoạn từ Ba La đến Xuân Mai.
Lãnh đạo Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải – CTCP và Trung tâm TVTK Kết cấu công trình (đơn vị thực hiện thiết kế) đã cùng tham dự . Ở dự án này, TEDI là đơn vị triển khai lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi, đồng thời thực hiện khảo sát và lập Thiết kế kỹ thuật của dự án.
Dự án cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Ba La – Xuân Mai nhằm từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông khung theo quy hoạch, tạo nên một trục giao thông đô thị hoàn chỉnh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của huyện Chương Mỹ và quận Hà Đông… Đồng thời tạo tuyến giao thông huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh khu vực Tây Bắc và kết nối đồng bộ với các tuyến giao thông quan trọng khác của khu vực.
Dự án sẽ đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Ba La – Xuân Mai theo quy hoạch với chiều dài khoảng 21,70km; điểm đầu Km14+00 địa phận Ba La, quận Hà Đông; điểm cuối K38+00, kết thúc thị trấn Xuân Mai, tiếp giáp với huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình (không bao gồm đoạn qua thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ).
Mặt cắt ngang tuyến đường rộng từ 50-60m, với dải phân cách giữa rộng 5m dự kiến bố trí tuyến đường sắt nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh Xuân Mai. Toàn tuyến có 7 cầu đường bộ, trong đó có cầu Mai Lĩnh qua sông Đáy dự kiến chiều dài trên 570m. Trên tuyến có 4 nút giao chính, các nút giao khác mức theo quy hoạch với QL21, đường trục Bắc-Nam… sẽ thực hiện theo các dự án riêng.
Đoạn từ nút giao Ba La đến nút giao Vành đai 4 quy mô mặt cắt ngang 56m, gồm phần lòng đường dành cho xe cơ giới rộng 2x12m (đã bao gồm 2 làn xe buýt BRT); 2 làn đường dành cho xe thô sơ…; Đoạn qua nút giao vành đai 4 mặt cắt rộng 56m…
Tổng mức đầu tư dự án hơn 8.112 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 5.097 tỷ đồng, chi phí xây dựng và thiết bị gần 2.498 tỷ đồng…, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách TP và ngân sách Trung ương hỗ trợ. Tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ 2022-2027.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Trần Sỹ Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp triển khai thi công dự án một cách đồng bộ, các địa phương khẩn trương hoàn thành công tác GPMB phần còn lại, phấn đấu hoàn thành và đưa công trình trọng điểm này vào khai thác trong năm 2026.