Dự án đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên (QL3 mới) là dự án đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020 và định hướng phát triển toàn diện ngành GTVT Việt Nam.
Việc xây dựng QL3 mới nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Thái Nguyên với mục tiêu tăng cường năng lực giao thông cho QL3 cũ đã mãn tải và tăng cường giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa giữa Hà Nội với Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung. Đây là dự án được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn cao tốc với tốc độ thiết kế 100km/h và được xây dựng theo các công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay.
Dự án có chiều dài tuyến chính 63,1km, quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án là 8.104 tỷ đồng. Trong đó vốn vay ODA của JICA là 6.093 tỷ đồng và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 2.011 tỷ đồng. Do tính chất quan trọng của dự án nên Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ trực tiếp làm chủ đầu tư và giao Ban QLDA 2 là cơ quan thực hiện.
Đơn vị tư vấn: Liên danh Nippon Koie- JBSI phối hợp với TEDI
Trong quá trình triển khai, ngoài trở ngại trong công tác GPMB thì Dự án đường cao tốc Hà Nội- Thái Nguyên gặp phải khó khăn rất lớn trong công tác đấu thầu. Lần đấu thầu đầu tiên có gói thầu giá đội lên đến khoảng 180% so với giá dự toán khiến cho dự án không thể khởi động. Lần đấu thầu đợt 2, gói thầu số 1 được chia làm 3 gói thầu để tăng khả năng cạnh tranh và tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu tham gia hơn.
Tuy nhiên, khi mở thầu, hầu hết các gói thầu đều có giá bỏ thầu vượt xa so với dự toán, mặc dù chủ đầu tư đã cập nhật giá tại thời điểm hiện tại. Chính vì vậy, việc khởi công dự án vào thời điểm hiện nay là một sự nỗ lực lớn của Bộ GTVT và Ban QLDA 2.
Dự án QL3 mới được chia làm 2 đoạn. Trong đó, đoạn Hà Nội- Sóc Sơn được xây dựng 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe dừng khẩn cấp, nền đường rộng 34,5m. Đoạn Sóc Sơn- Thái Nguyên gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe dừng khẩn cấp. Trên tuyến có 6 nút giao, trong đó có 3 nút giao khác mức liên thông, 29 cầu với tổng chiều dài 1.378m. Công tác GPMB được tách riêng thành tiểu dự án thành phần giao cho UBND các tỉnh, thành phố có tuyến đường đi qua thực hiện.
Gói thầu được động thổ trong ngày khởi công là gói thầu PK2 (đoạn Sóc Sơn- Thái Nguyên) có điểm đầu km26+900 và điểm cuối là km61+313 với tổng chiều dài 34,413km do liên danh nhà thầu Tổng công ty XDCTGT 8- Tổng công ty XD Thăng Long- Tổng công ty XD Trường Sơn- Vinaconex thi công. Giá trị hợp đồng là hơn 1.524 tỷ đồng (bao gồm 15% dự phòng). Hình thức hợp đồng theo đơn giá. Thời gian thi công 42 tháng.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt nhấn mạnh, QL3 cũ đang có mật độ giao thông rất đông và là tuyến đường xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, nên việc khởi công xây dựng và sớm đưa tuyến đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên vào sử dụng có ý nghĩa hết sức thiết thực.
Đây là dự án đặc biệt quan trọng, không chỉ có ý nghĩa với Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh và Thái Nguyên nơi có tuyến đường đi qua mà có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế cho các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên và cả đất nước.
Thủ tướng cho rằng, tiếp sau các dự án đường cao tốc lớn như Hà Nội- Hải Phòng, Nội Bài- Lào Cai, TP HCM – Long Thành- Dầu Giây mới được khởi công, thì việc triển khai xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên là động thái hết sức tích cực hình thành mạng lưới đường cao tốc quốc gia, tạo đà phát triển nền kinh tế các tỉnh phía Bắc nói riêng và cả đất nước nói chung.
Chính vì vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ GTVT, Ban QLDA, các nhà thầu phải triển khai quyết liệt dự án, sau khởi công là bắt tay vào thi công ngay, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình. Các địa phương có tuyến đường đi qua triển khai dứt điểm công tác GPMB, sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công, đồng thời bảo đảm chăm lo tốt đời sống của bà con nhân dân phải di dời, giải tỏa phục vụ thi công dự án.
(Theo Báo GTVT)