Bộ GTVT và các địa phương thống nhất kiến nghị sử dụng vốn ngân sách xây cầu Rạch Miễu 2.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp sáng 11/3
Sáng 11/3, đoàn công tác của Bộ GTVT do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn đầu đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp về dự án cầu Rạch Miễu 2 và tuyến An Hữu – Cao Lãnh.
Cấp thiết xây cầu Rạch Miễu 2
Theo tư vấn Tedi, cầu Rạch Miễu 2 được xây dựng phía thượng lưu, cách cầu Rạch Miễu hiện tại 3km. Lựa chọn vị trí này sẽ thuận lợi trong việc giảm GPMB, mở rộng không gian đô thị TP Mỹ Tho, TP Bến Tre. Cầu có 2 nhịp chính bằng dây văng, hai bên có nhịp Super T, bề rộng 4 làn xe. Tổng mức đầu tư khoảng 4.494 tỷ đồng.
Tư vấn cũng đưa ra các phương án đầu tư theo hình thức BOT, vốn ngân sách, vốn ODA. Tuy nhiên, phương án BOT là không khả thi vì ở trên tuyến QL60 hiện đã có 2 dự án BOT.
Phương án đầu tư bằng nguồn vốn ODA sẽ rất mất thời gian vì phải chờ hiệp định vay, theo tính toán nhanh nhất phải 6 năm, đến 2026 mới hoàn thành. Trong khi đó nếu đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, thì thời gian chỉ 4 năm, tức đến khoảng 2024 có thể hoàn thành.
Phó bí thư Thường trực tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi, cho biết tỉnh Bến Tre thống nhất cùng với Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đầu tư cầu Rạch Miễu 2 bằng nguồn vốn ngân sách. Bởi cây cầu này không chỉ cho Bến Tre mà cho cả khu vực Duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL gồm Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng…
Cầu hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế cho khu vực Duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL , đồng thời cũng giảm áp lực cho Quốc lộ 1. Theo tư vấn đề xuất, nếu sử dụng vốn ngân sách sẽ rút ngắn thời gian hoàn thành 2 năm so với sử dụng vốn ODA, đây là điều rất rõ để thấy rằng việc sử dụng vốn ngân sách cho cầu Rạch Miễu 2 là cần thiết.
“Tốc độ tăng trưởng lưu lượng qua cầu Rạch Miễu hiện nay bằng với tốc độ phát triển kinh tế địa phương. Như vậy, 3 năm sau, cầu Rạch Miễu hiện hữu ngày nào cũng đông như ngày Tết. Tôi đã từng kẹt nhiều lần trên cầu. Mỗi lần các xe đề máy lên để di chuyển là cầu rung lên. Kẹt xe không chỉ cản trở phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng đến an toàn cầu. Vì vậy, việc xây cầu Rạch Miễu 2 sớm hơn 1 năm là rất có ý nghĩa, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng”, ông Mãi nói .
Cầu Rạch Miễu hiện hữu đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người vào dịp lễ Tết
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng việc đi lại của người dân, phương tiện qua vùng phía Đông của ĐBSCL rất khó khăn vì cầu Rạch Miễu đã quá tải, thường xuyên ùn tắc vào dịp lễ, Tết. Sau khi nghe ý kiến của các địa phương, ban ngành về phương án nguồn vốn đầu tư, Bộ trưởng đề nghị tư vấn phải có nghiên cứu báo cáo cụ thể, với những số liệu chi tiết về lưu lượng xe, dự báo trong những năm tới để nêu bật tính cấp thiết của việc xây cầu Rạch Miễu 2. Đồng thời khi đưa ra các phương án đầu tư, phải có sự so sánh thời gian thực hiện, trượt giá… để Bộ GTVT và các địa phương có cơ sở báo cáo Chính phủ cho sử dụng vốn ngân sách.
Bộ trưởng chỉ đạo cần thống nhất GPMB một lần, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân và có hàng rào bảo vệ để có hướng mở rộng sau này. Phương án xử lý nền đường phải triệt để, không để lún sau khi đưa vào khai thác. Hướng tuyến nên đi thẳng về cầu Hàm Luông, không mở rộng QL57 vì không mang tính dài hạn.
QL30 quá tải khi cầu Vàm Cống thông xe
Đối với tuyến An Hữu – Cao Lãnh, theo tư vấn 625 nghiên cứu, tuyến dài 30,1km, có điểm đầu kết nối QL1 tại vị trí Km2021 + 500, cách cầu An Hữu 1,2km về phía Trung Lương, điểm cuối giao Quốc lộ N2 đoạn Mỹ An – Cao Lãnh (tuyến mới). Trên tuyến có 5 điểm giao cắt bằng và 26 cầu qua kênh rạch (tăng 9 cầu so với Quốc lộ 30). Tư vấn đề xuất 3 phương án đầu tư theo các mức khác nhau.
Tư vấn đưa ra các phương án đầu tư khác nhau. Cụ thể nếu đầu tư bằng ngân sách nhà nước, tổng đầu tư khoảng 4.583 tỷ đồng. Nếu đầu tư theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư khoảng 4.780 tỷ đồng. Với phương án đầu tư theo hình thức PPP, thời gian thu phí sẽ tính theo lượt với thời gian có thể từ 15 năm 3 tháng nếu thu 35.000 đồng/lượt; thời gian thu kéo dài 17 năm 7 tháng nếu thu 30.000 đồng/lượt.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu tư vấn làm rõ hơn về lưu lượng phương tiện sẽ tăng đột biến sau khi cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi thông xe trong năm 2019. Đó là cơ sở để Bộ kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành về sự cấp thiết trong việc xây dựng tuyến An Hữu – Cao Lãnh, vì hiện nay tuyến QL30 không thể mở rộng.
Bộ trưởng cũng yêu cầu tư vấn bổ sung hàng rào 2 bên để quản lý lộ giới. Đoạn nào có đường dân sinh thì thiết kế cống chui. Phương án xử lý lún triệt để, thảm nhựa đảm bảo lưu thông an toàn. Về kinh phí GPMB, Bộ trưởng đề nghị các địa phương hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện.
Về nguồn thu, tư vấn cần xem xét lại mức phí phù hợp, đúng quy định, chủ trương là thu phí không dừng. Kinh phí đầu tư cần tính toán phần thu phí là 15 năm, còn lại đưa vào nguồn ngân sách. Bộ trưởng đề nghị các đơn vị hoàn thành báo cáo, để đầu tháng 5 báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nguồn baogiaothong.vn