Ngày 15/11 tại Hà Nội, Ban QLDA 85 tổ chức ký gói hợp đồng dịch vụ tư vấn thiết kế kỹ thuật dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Đây là bước khởi động quan trọng để xây dựng tuyến cao tốc tạo cơ hội phát triển KT-XH của các tỉnh miền Trung
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được Bộ GTVT giao Ban QLDA 85 triển khai nghiên cứu khả thi vào năm 2000 – 2002, báo cáo nghiên cứu khả thi và đã được Bộ GTVT thông qua.
Qua nhiều công đoạn chuẩn bị, hồ sơ dự án đầu tư được tư vấn Nippon Koei và TEDI hoàn thiện theo yêu cầu của Ngân hàng thế giới và được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định 2656/QĐ-BGTVT ngày 10/9/2010, trong đó Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư và giao cho Ban QLDA85 làm tư vấn QLDA đoạn tuyến do JICA tài trợ.
Riêng gói thầu dịch vụ tư vấn thiết kế kỹ thuật cho dự án được Bộ GTVT giao cho Ban QLDA 85 làm đại diện chủ đầu tư tại Quyết định 2419/QĐ-BGTVT ngày 29/9/2011. Đến thời đểm này, Ban QLDA 85 đã tiến hành lựa chọn nhà thầu tư vấn có uy tín, kinh nghiệm là liên danh Nippon Koei, Nippon Engineering Consultants, Chodai và Thai Engieering Consultants, giá trị gói thầu 12,1 triệu USD từ nguồn vốn ưu đãi vay Ngân hàng thế giới với thời gian thực hiện 14 tháng.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là một phần của tuyến cao tốc Bắc – Nam, điểm đầu từ thị trấn Túy Loan TP. Đà Nẵng đến đường vành đai của TP. Quảng Ngãi. Toàn tuyến có chiều dài 131km, được thiết kế với tốc độ 100 – 120km/h, mặt cắt ngang đường rộng 26m, xây dựng 9 nút giao liên thông, 126 cầu các loại, 1 hầm đường bộ có chiều dài 540m, lắp hệ thống ATGT và dịch vụ gồm: 130 trạm điện thoại khẩn cấp dọc đường, 2 trạm thu phí và 14 trạm phụ, 1 trung tâm điều hành giao thông và một trung tâm duy tu bảo dưỡng, trạm dịch vụ, nghỉ ngơi mỗi bên đường và 5 trạm dừng đậu xe.
Sau khi hoàn thành, đường cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp của Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, giảm tải cho QL 1A. Đồng thời mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực miền Trung, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp (KCN), du lịch dọc tuyến, các khu du lịch sinh thái dọc ven biển của khu vực như KCN Liên Chiểu, Hòa Khánh, Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng), khu kinh tế mở Chu Lai, khu công nghiệp Dung Quất, KCN phía Tây thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), KCN Quảng Phú, Phổ Phong (tỉnh Quảng Ngãi).
Dự án có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, liên kết, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi và góp phần phát triển KT-XH của cả nước.
Tuyến đường dự kiến cũng góp phần kết nối vận chuyển quốc tế của tam giác kinh tế Lào – Campuchia – Việt Nam qua hành lang kinh tế Đông Tây đến các cảng biển miền Trung Việt Nam. Ngoài ra, tuyến đường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo giao thông thông suốt, cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân trong khu vực vốn thường xuyên bị ngập lụt nặng nề trong mùa mưa lũ.
Theo Ban QLDA 85, sau khi ký kết hợp đồng tư vấn, Ban sẽ cam kết đôn đốc chỉ đạo Tư vấn hoàn thành nhiệm vụ đáp ứng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu của Hợp đồng và phối hợp với tư vấn để sớm hoàn thành thiết kế chi tiết, hồ sơ mời thầu đầu tiên để có thể khởi công dự án trong năm 2012.
(Theo Báo GTVT)