Triển khai lập đồ án quy hoạch từ năm 2010, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã thực hiện một khối lượng rất lớn công tác thu thập tài liệu từ tất cả các cơ quan hữu quan của Thành phố cũng như 29 quận/huyện để phục vụ công tác lập quy hoạch.
Là TCT hàng đầu Việt Nam về tư vấn thiết kế, TEDI được UBND Tp Hà Nội lựa chọn là đơn vị triển khai lập Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội với tiêu chí Bền vững-Đồng bộ- Hiện đại phù hợp với tiêu chí của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 là Văn hiến-Văn minh-Hiện đại sau khi Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1587/QĐ-TTg ngày 25.8.2010.
Tổng giám đốc TEDI Phạm Hữu Sơn phát biểu tại hội nghị
Căn cứ vào các số liệu thu thập được, các chuyên gia có kinh nghiệm trong từng lĩnh vực từ cơ sở hạ tầng, tổ chức vận tải, tổ chức quản lý điều hành giao thông mỗi loại hình vận tải của TEDI đã phân tích, đánh giá phục vụ cho mục đích lập quy hoạch trong đó dự báo nhu cầu vận tải là yếu tố then chốt trong việc xây dựng đồ án quy hoạch. Để phục vụ công tác dự báo, TEDI đã thực hiện khảo sát điều tra trên phạm vi toàn thành phố với 34 điểm khảo sát điều tra lưu lượng giao thông cùng 11 điểm phỏng vấn OD; điều tra phỏng vấn tại các hộ gia đình với hơn 20.000 phiếu. Các số liệu điều tra khảo sát, kết hợp với các định hướng phát triển kinh tế xã hội và các quy hoạch liên quan là cơ sở để xây dựng mô hình và thực hiện công tác dự báo nhu cầu vận tải trên toàn Thành phố.
Trên cơ sở kết quả dự báo, tư vấn đã tính toán nhu cầu vận tải cho mỗi loại hình giao thông thuộc phạm vi nghiên cứu của quy hoạch với các loại hình hạ tầng giao thông từ đường bộ tới, đường sắt, đường thủy tới đường không. Cụ thể, hạ tầng đường bộ bao gồm cấu trúc hệ thống đường bộ theo mô hình gồm các đường hướng tâm và vành đai, được quy hoạch giống như các thành phố lớn trên thế giới. Hệ thống đường đô thị được phân cấp rõ ràng thành các loại: cao tốc đô thị, trục chính đô thị, trục đô thị và liên khu vực hình thành lên mạng lưới giao thông khung của toàn Thành phố.
Về hạ tầng đường sắt, cấu trúc đường sắt quốc gia theo mô hình các tuyến hướng tâm và 1 đường vành đai. Cấu trúc đường sắt đô thị gồm các tuyến đi theo các hành lang tập trung mật độ dân cư đông và có 1 tuyến vành đai để kết nối và phân bổ giao thông giữa các tuyến. Hạ tầng đường thủy bao gồm các tuyến sông hiện hữu và hệ thống cảng trên các sông lớn.
Hạ tầng đường không gồm cửa ngõ hàng không quốc tế Nội Bài và các sân bay phục vụ dân dụng và quân sự khác. Hạ tầng cho giao thông tĩnh được chú trọng bao gồm các bến xe khách, xe tải liên tỉnh, hệ thống bãi đỗ xe, các cảng cạn ICD, các trung tâm tiếp vận phục vụ vận tải đa phương thức. Hạ tầng cho giao thông tĩnh cũng được chú trọng bao gồm các bến xe khách, xe tải liên tỉnh, hệ thống bãi đỗ xe, các cảng cạn ICD, các trung tâm tiếp vận phục vụ vận tải đa phương thức.
Hà Nội là thành phố lớn, quy mô dân số hiện nay khoảng 7,2 triệu dân, trong đó có khoảng 3 triệu dân trong khu vực nội đô. Do vậy, vận tải hành khách công cộng là vấn đề được đặc biệt quan tâm và được xem là chìa khóa để giải quyết bài toán giao thông đô thị. Với 08 tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn bằng Đường sắt đô thị, 03 tuyến monorail và 08 tuyến BRT (xe buýt nhanh) được xây dựng cùng hệ thống xe buýt thông thường sẽ đáp ứng được khoảng 50-55% thị phần vận tải hành khách tới năm 2030 và đạt 65-70% sau năm 2030.
Nếu như hạ tầng giao thông là phần cứng thì việc tổ chức và quản lý giao thông được xem là phần mềm để vận hành trơn tru toàn bộ hệ thống hạ tầng giao thông. Trong đó, định hướng trong tổ chức quản lý giao thông bao gồm việc tăng cường hệ thống kiểm soát tín hiệu giao thông; cải thiện năng lực thông hành các nút giao; quản lý nhu cầu giao thông; cải thiện thiết bị an toàn giao thông; cải thiện hệ thống kiểm soát đỗ xe; cải thiện điều kiện vận hành cho xe buýt; đổi mới chương trình giáo dục về an toàn giao thông; tăng cường hệ thống kiểm tra xe cơ giới,…; quy hoạch hệ thống giao thông thông minh (ITS) cho Thành phố cũng như việc xây dựng các trung tâm quản lý, điều hành giao thông công cộng; trung tâm quản lý hệ thống đường cao tốc; trung tâm quản lý, điều hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông,… hiện đại, đồng bộ và tiên tiến.
Theo đánh giá của các chuyên gia và cơ quan chức năng, công tác nghiên cứu được triển khai bài bản, phương pháp tiếp cận và tổ chức lập đồ án hợp lý, phù hợp với thực tế và nhu cầu phát triển về giao thông vận tải của Thủ đô trước mắt cũng như tương lai.
Theo báo điện tử www.laodong.com.vn