Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tại Thông báo số 132/TB-UBND ngày 20/5/2016, Ban Đầu tư và Xây dựng Giao thông thuộc Sở GTVT tỉnh đã tổ chức trưng bầy, lấy ý kiến rộng rãi cộng đồng đối với các đồ án dự thi phương án kiến trúc cầu trên đường Nguyễn Hoàng vượt Sông Hương – Thành phố Huế để có thêm cơ sở xem xét, lựa chọn phương án kiến trúc đạt yêu cầu trước khi thiết kế xây dựng công trình. Thời gian trưng bày bắt đầu từ ngày 02/6/2016 tại nhà Bảo tàng Văn hóa Huế (bản cứng) và Cổng thông tin điện tử tỉnh (file mềm).
Cuộc thi tuyển phương án kiến trúc cầu đã được chuẩn bị khá bài bản, công phu, nghiêm túc và Ban tổ chức cũng đã rất thận trọng, công minh trong việc đánh giá, lựa chọn phương án kiến trúc cầu. Chính vì vậy cuộc thi đã phải tổ chức tới lần thứ 2 mới có được các phương án đạt giải thưởng cao do Ban tổ chức chấm điểm. Trong lần thi đầu, do nhận được thông tin muộn, Tổng công ty TVTK GTVT -CTCP chỉ có 1 tuần để nghiên cứu nên kết quả phương án đề xuất của Tổng công ty đưa ra chỉ có số điểm cao thứ 2 trong số các phương án dự thi. Cuộc thi này đã không lựa chọn được phương án kiến trúc tốt và phải tổ chức thi tuyển lần 2. Trong lần 2, mặc dù có tới 20 phương án của 13 đơn vị dự thi (trong đó có 01 đơn vị đến từ Pháp) nhưng với sự chuẩn bị tốt, phương án “Nón Huế” của Tổng công ty TVTK GTVT – CTCP đã được Ban tổ chức chấm điểm cao nhất trong các phương án dự thi và đạt khung điểm giải nhất của cuộc thi.
Phương án đạt khung giải nhất đã tôn vinh giá trị truyền thống vật thể Huế thông qua vật dụng nón Huế, chiếc nón bài thơ, một nét đặc trưng rất Huế: Phương án cầu khung treo dây xiên đồng quy “Nón Huế”.
– Ý tưởng kiến trúc: “Nón Huế”
Từ lâu chiếc nón gắn với tà áo dài đã trở thành biểu tượng của con người và du lịch Huế. Cầm chiếc nón lên, ta không chỉ bắt gặp Huế trên từng đường kim, mũi cước của người thợ nón Huế, mà còn gặp cả chiều sâu văn hóa Huế. Hàng trăm năm nay, chiếc nón không chỉ là vật dụng thân thiết che nắng, che mưa gắn bó với đời sống hàng ngày của mỗi người dân Huế, mà hơn thế nó đã trở thành một đặc sản văn hóa “nón bài thơ” gắn với hình tượng của người con gái Huế. “Gió cầu vương áo nàng thôn nữ / Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ…” hay “Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được, nét dịu dàng pha lẫn trầm tư, tình yêu từ chiếc nón bài thơ,…”.
Dưới góc nhìn nghiên cứu khoa học, nón lá Huế còn đạt một tỉ lệ vàng trong cấu trúc và đạt độ đồng đều một cách đáng kinh ngạc. Vậy sẽ không có lý do nào để hình tượng nón Huế không là hình dáng của cây cầu qua sông Hương thơ mộng.
– Yếu tố kỹ thuật
Cầu có 1 khung cứng gồm 4 thanh đồng quy đỡ nhịp chính chạy dưới thông qua hệ thống 2 mặt phẳng dây cáp treo, tổng thể thanh chống và dây treo tạo lên biểu tượng nón Huế ấn tượng trên sông. Các nhịp biên được chạy trên được đỡ bởi kết cấu khung chống xiên liên tiếp hài hòa với kết cấu đơn nhịp chính.
Ảnh phối cảnh dọc cầu Phương án Nón Huế
Ảnh phối cảnh ngang cầu Phương án Nón Huế
Ảnh phối cảnh xiên Phương án Nón Huế
Ảnh phối cảnh ban đêm
Từ kết quả chấm điểm của Ban tổ chức, phương án “Nón Huế” đạt được số điểm bình quân là 84/100 điểm, cao nhất trong các phương án dự thi. Theo thang điểm của Ban tổ chức thì phương án đạt giải nhất.
Phương án đạt giải cũng không nằm ngoài kỳ vọng của TEDI vì đó là phương án được đánh số 1 trong số các phương án TEDI dự thi.
Với phương án này, TEDI đã cố gắng nâng tầm giá trị một hiện vật rất bình dị, gần gũi nhưng rất đặc trưng của xứ Huế. Có người nói nón thì ở đâu chẳng có? nhưng nếu tìm hiểu kỹ thì nón Huế lại có sự khác biệt lớn. Sự khác biệt ở sự mỏng mai tinh tế, ở đường kim, mũi cước, ở tỷ lệ kích thước cân đối và đặc biệt được lãng mạn hóa với những dòng thơ khắc trong chiếc nón tạo nên nét duyên dáng của các cô gái Huế mà không đâu có được. Chính vì thế phương án không được đặt tên là “Nón lá” hay “Chiếc nón” mà tên là “Nón Huế”.
Mỗi khi ta nhìn đâu đó bắt gặp hình ảnh cầu có nhiều nhịp vòm thép vắt qua dòng sông thơ mộng, trên bờ là cô gái đội nón nghiêng dưới chùm hoa phượng đỏ thì không ai không nhận ra đó chính là Huế. Vậy với phương án kiến trúc cầu “Nón Huế” hy vọng sẽ có thêm một hình ảnh nhận biết ra Huế. Hình tượng này sẽ đọng mãi trong lòng du khách mỗi khi đến Huế.
Dù kết quả lấy ý kiến rộng rãi thế nào và phương án đạt khung giải nhất kiến trúc có được lựa chọn để xây dựng hay không thì hình dáng cây cầu “Nón Huế” vẫn luôn là tấm lòng, là ý tưởng tâm huyết của những người kỹ sư thiết kế cầu của TEDI muốn gửi tặng cho nhân dân Huế.
Trung tâm Tư vấn Quốc tế