Ngày 11 tháng 01 năm 2022, tại kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 với số phiếu 463/499 đạt tỷ lệ 93,99% (số đại biểu có mặt 474, số đại biểu tán thành 469, số đại biểu không tán thành 02, số đại biểu không biểu quyết 03)
Dự án hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị, các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ với các công trình hiện đại, tạo sức lan tỏa cao để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua.
Dự án chia thành 12 dự án thành phần gồm các đoạn Hà Tĩnh – Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi – Nha Trang (353 km) và Cần Thơ – Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Dự án được đầu tư phân kỳ giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe theo hướng dẫn tại Quyết định số 5109/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2014 về việc ban hành hướng dẫn về thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha. Giải phóng mặt bằng các dự án thành phần theo quy mô quy hoạch, các đoạn Hà Tĩnh – Quảng Trị và Quảng Ngãi – Nha Trang 06 làn xe; Cần Thơ – Cà Mau 04 làn xe.
Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng bao gồm chi phí xây dựng và thiết bị 95.837 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 19.097 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 12.015 tỷ đồng, chi phí dự phòng: 20.041 tỷ đồng được bố trí từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần của Dự án và dự kiến chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành năm 2026.
Dự án được áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù như chỉ định thầu, khai thác mỏ … để đẩy nhanh và bảo đảm tiến độ hoàn thành.
Như vậy sau 10 tháng tập trung nguồn lực, khắc phục các khó khăn, ảnh hưởng của đợt bùng phát thứ 4 đại dịch Covid -19, Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của 10/12 dự án thành phần và tổng hợp báo cáo chủ trương đầu tư của Dự án trình các cấp thẩm định và đã được Quốc hội thông qua. Đây là tiền đề để thực hiện các bước tiếp theo với các yêu cầu áp dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại nhằm rút ngắn thời gian triển khai nhằm sớm đưa công trình vào khai thác./.