Ngày 01/9/2018, tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và cầu Bạch Đằng được chính thức thông xe, đưa vào khai thác. Với chiều dài khoảng 25km, tuyến cao tốc này trực tiếp kết nối thành phố Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tạo thành trục giao thông huyết mạch kết nối tam giác kinh tế Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.
Cầu Bạch Đằng trước ngày thông xe
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, từ chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng giao thông làm động lực phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh đã đề xuất chủ trương và quyết định đầu tư xây dựng. Đoạn tuyến nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng được đầu tư bằng vốn ngân sách của tỉnh, giao Sở GTVT làm chủ đầu tư và Ban quản lý dự án đường nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng làm đại diện chủ đầu tư. Cầu Bạch Đằng được đầu tư bằng hình thức BOT, Sở GTVT làm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Công ty cổ phần BOT cầu Bạch Đằng là doanh nghiệp dự án –làm Chủ đầu tư của dự án.
Trước ngày thông xe, toàn bộ cán bộ, công nhân của các nhà thầu thi công, các kỹ sư tư vấn rất phấn khởi, tích cực cùng Chủ đầu tư hoàn thiện công đoạn cuối cùng để thông xe tuyến đường đúng lịch. Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải – CTCP (TEDI), tổ chức tư vấn xây dựng hàng đầu trong lĩnh vực giao thông, được các chủ đầu tư tín nhiệm giao thực hiện thiết kế và giám sát thi công phần cầu dây văng của cầu Bạch Đằng, giám sát thi công đoạn tuyến cao tốc nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng.
Trao đổi với chúng tôi, thạc sỹ Nguyễn Đức Thuận – Chủ nhiệm thiết kế cầu Bạch Đằng cho biết, cầu được thiết kế với chiều dài 2,9km trên tổng chiều dài bao gồm cả đường dẫn là 5,4km; bề rộng cầu chính là 28m, được thiết kế cho 04 làn xe, tốc độ 100km/h. Khi bắt tay vào thiết kế, các kỹ sư TEDI đã tập trung tìm lời giải cho hàng loạt yêu cầu về một phương án thay thế kết cấu cầu chính dây văng dùng dầm thép sang kết cấu cầu bê tông cốt thép dự ứng lực trên cơ sở đảm bảo tính mỹ quan; tiết kiệm chi phí xây dựng; tận dụng tối đa nguồn vật tư, thiết bị, công nghệ thi công của các nhà thầu trong nước; giảm chi phí vận hành, duy tu bảo dưỡng; giảm sự phụ thuộc vào nguồn vật tư nước ngoài.
Nhiều phương án cầu chính bằng bê tông đã được TEDI đưa ra nghiên cứu xem xét, từ cầu dầm liên tục đúc hẫng cân bằng, cầu Extradosed, cầu dây văng,… và phương án cuối cùng được lựa chọn là cầu dây văng bê tông cốt thép với 4 nhịp chính, bố trí theo sơ đồ 110m+2x240m+110m. Đây là công trình cầu dây văng nhiều nhịp đầu tiên được trực tiếp tính toán, thiết kế, thi công và giám sát bởi đội ngũ kỹ sư Tư vấn và Nhà thầu trong nước.
Trong quá trình thiết kế cầu dây văng Bạch Đằng, tư vấn đã phải giải quyết nhiều vấn đề kỹ thuật phức tạp. Cụ thể, đây là công trình bắc qua khu vực gần ngã ba sông Bạch Đằng và sông Cấm, nơi có hệ thống các bến cảng và Nhà máy đóng tàu dày đặc, tàu bè trọng tải lớn từ 10.000 tấn đến 20.000 tấn thường xuyên qua lại, tĩnh không bên dưới cầu yêu cầu tối thiểu 52m (hệ cao độ hải đồ) với chiều rộng tối thiểu 180m; Kết cấu trụ cầu phải đảm bảo an toàn kể cả trường hợp tàu trọng tải 20.000 DWT trôi va đập vào. Đồng thời, công trình lại nằm ở khu vực gần sân bay Cát Bi, nên điểm cao nhất công trình bị khống chế độ cao không được vượt quá 100m. Nằm ở gần cửa biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp của nhiều cơn bão đổ bộ từ Biển Đông, cầu phải thiết kế với sức gió giật 59m/s (tương ứng bão giật cấp 17), trong khi kết cấu cầu dây văng là một dạng kết cấu có độ mảnh lớn, rất nhạy cảm với các tác động của gió, bão kết hợp cả mưa.
Về những khó khăn trong giai đoạn thi công, kỹ sư Hoàng Quốc Cường (TEDI) – Tư vấn giám sát trưởng cầu Bạch Đằng chia sẻ: Từ đồ án thiết kế, với những giả thuyết, mô hình ứng xử của kết cấu công trình được thừa nhận rộng rãi trên thế giới, đến việc xây dựng được công trình cầu dây văng đảm bảo chất lượng, an toàn, đúng quan điểm thiết kế, là cả một sự nỗ lực to lớn, đòi hỏi năng lực cao và sự sáng tạo của nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và chủ đầu tư. Ngay cả việc đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông hàng hải suốt hơn 3 năm thi công cũng là một công việc hết sức quan trọng, đặc biệt nơi tàu thuyền đi lại tấp nập,…
Đối với cầu dạng dây, vấn đề kiểm soát lực trong dây văng và kiểm soát cao độ trắc dọc mặt cầu là then chốt khi thi công, đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm kiểm soát, xử lý với độ chính xác cao, đảm bảo các khối dầm hợp long chính xác về tọa độ, đặc biệt là cao độ. Trước mỗi đợt dự báo có bão đổ bộ về khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng, các cán bộ kỹ thuật nhà thầu, tư vấn và chủ đầu tư luôn khẩn trương, kịp thời lập các phương án giằng, neo kết cấu công trình để đảm bảo an toàn tuyệt đối trước sức bão.
Dự án đường nối TP.Hạ Long với Cầu Bạch Đằng trước ngày thông xe
Tại dự án đường nối thành phố Hạ Long với cầu Bạch Đằng, kỹ sư Nguyễn Văn Liễn – Trưởng tư vấn giám sát (TEDI), cho biết dự án tuyến nối có chiều dài 19km, bề rộng nền đường 25,5m, tốc độ thiết kế 100km/h. Đây cũng là một trong những công trình phức tạp về mặt kỹ thuật. Tuyến đi qua vùng ven biển, chịu tác động mạnh thủy triều, nước ngập mặn và nền đất yếu dầy, phải xử lý bằng bấc thấm, giếng cát. Đặc biệt, nền đá dưới đáy móng các công trình cầu tồn tại nhiều hang cat-tơ, có vị trí gặp tới 5 tầng hang, nên xử lý vô cùng khó khăn, phức tạp. Việc hoàn thành thi công tuyến đường đem lại niềm vui khôn xiết, xen lẫn niềm tự hào đối với đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật của Nhà thầu, Tư vấn và Chủ đầu tư.
Khánh thành, thông xe đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và Cầu Bạch Đằng tạo điều kiện rút ngắn chiều dài quãng đường từ Hà Nội đi Quảng Ninh từ 175km xuống còn 125km, rút ngắn một nửa thời gian từ Hà Nội đến Quảng Ninh; đồng thời góp phần hoàn thiện huyết mạch giao thông kết nối ba trung tâm của tam giác kinh tế vùng Bắc Bộ. Cùng với hệ thống cảng biển, đường sắt và sân bay đồng bộ sẽ tạo cho Quảng Ninh một vị thế mới, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển du lịch, đưa Quảng Ninh phát triển thành vùng kinh tế lớn của cả nước.
Trung tâm TVGS – TEDI