Với vị trí địa lý đặc biệt, Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế – xã hội giữa vùng Trung du miền núi với vùng Đồng bằng Bắc bộ và là cái nôi của nền công nghiệp XHCN, là 1 trong 3 trung tâm giáo dục, đào tạo lớn nhất cả nước. Mặc dù trong thời gian qua, Thái Nguyên có tốc độ phát triển kinh tế – xã hội khá cao, tuy nhiên so với mặt bằng chung cả nước vẫn ở mức thấp. Theo ông Dương Ngọc Long, một trong những khó khăn lớn đối với Thái Nguyên là cơ sở hạ tầng giao thông chưa thực sự phát triển, nhiều tuyến đường đã xuống cấp và quá tải. QL3 cũ đang được cải tạo, đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đang triển khai, nên việc đi lại càng khó khăn hơn và đội chi phí, giá thành sản phẩm cao hơn.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng chia sẻ, Thái Nguyên là đầu mối kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với Hải Phòng, có đầu ra kết nối với Trung Quốc qua các cửa khẩu như Hữu Nghị quan, Tà Lùng, Hà Khẩu. Một vài năm nữa, Thái Nguyên sẽ là trung tâm giao thông rất thuận lợi cho các tỉnh miền núi phía Bắc.
(Hạ tầng giao thông vẫn là “lực cản” để Thái Nguyên phát triển)
Thời gian qua, trong quá trình thực hiện đầu tư một số dự án giao thông trên địa bàn tỉnh còn gặp rất nhiều khó khăn. Đối với đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên được thực hiện bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản nên có nhiều thủ tục phức tạp, kéo dài. Bên cạnh đó, công tác GPMB do chưa chủ động làm tái định cư, chính sách đền bù chưa thỏa đáng cũng khiến dự án kéo dài.
Ngoài ra cũng phải kể tới vấn đề nhà thầu chính sử dụng nhà thầu phụ có năng lực hạn chế khiến công tác thi công chậm. Chính vì vậy, trong quá trình thi công, Bộ GTVT đã chỉ đạo kiên quyết thay thế nhà thầu yếu kém nên trong thời gian tới, những vấn đề này sẽ được cải thiện, tiến độ tuyến đường sẽ tốt lên. Đối với QL3 cũ, Thứ trưởng Trường cho rằng, do vừa làm vừa phải yêu cầu đảm bảo giao thông nên rất khó khăn. Bộ GTVT đã yêu cầu các nhà thầu làm gọn, đảm bảo ATGT trong triển khai dự án.
Để giải quyết những khó khăn trên, trong những năm tới, Thái Nguyên xác định sẽ ưu tiên số một cho các giải pháp đột phá cho hạ tầng giao thông. Trước hết là hoàn chỉnh quy hoạch giao thông tới 2020 và tầm nhìn 2030. Ông Dương Ngọc Long cho biết, Thái Nguyên sẽ đẩy nhanh phát triển giao thông đường bộ, căn cứ vào nguồn lực của tỉnh để thực hiện hàng năm, ưu tiên các tuyến kết nối liên vùng, liên huyện.
Về đường sắt, Chính phủ đã đưa việc nâng cấp tuyến Hà Nội – Thái Nguyên vào kế hoạch phát triển đường sắt quốc gia. Về lộ trình, Thái Nguyên phấn đấu đến 2015 thực hiện tốt các tuyến đường, dự án đã khởi công, được Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng như cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, QL3 cũ, QL1B. Tiếp tục đầu tư, lập dự án khởi công đường sắt Hà Nội- Thái Nguyên.
Các dự án của địa phương sẽ được bố trí theo lộ trình theo quy hoạch hàng năm. “Để thực hiện được dự án đó, Thái Nguyên rất quan tâm đến vấn đề nguồn lực và cũng đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT, các bộ, ngành Trung ương quan tâm tạo điều kiện về nguồn lực từ nguồn vốn ngân sách Trung ương để tỉnh có điều kiện thực hiện quy hoạch của mình và cùng khai thác nhiều nguồn vốn khác theo các hình thức như BT, BOT, PPP kết hợp với sự nỗ lực, nội lực của tỉnh để thực hiện cho được quy hoạch giao thông” – ông Long đề xuất.
(Theo báo điện tử giaothongvantai.com.vn ngày 06/9/2012, tác giả Hà Thanh Oai)
Dự án cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có sự tham gia của các kỹ sư Tổng Công ty TVTK GTVT. Ngoài ra, TEDI còn tham gia nhiều dự án quan trọng khác trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, góp phần phát triển hệ thống giao thông, tạo đà phát triển kinh tế cho tỉnh.